Thúc đẩy đấu thầu xanh, gieo mầm cho phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (gọi tắt Luật Đấu thầu 2023) có hiệu lực vào đầu năm 2024 đã luật hóa nội dung này với việc đưa ra những quy định nhằm khuyến khích, thúc đẩy đấu thầu xanh, đấu thầu bền vững. Chính sách mới kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp sức kiến tạo vị thế xanh cho nền kinh tế.
Chủ trương xanh cần được đặt ra ngay từ bước xây dựng chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở cho đến quá trình lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Tuấn Anh
Chủ trương xanh cần được đặt ra ngay từ bước xây dựng chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở cho đến quá trình lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Tuấn Anh

Thúc đẩy đấu thầu xanh

TS. Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu xã hội thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, một trong trong những điểm đáng chú ý, ấn tượng tại Luật Đấu thầu 2023 là thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển xanh, phát triển bền vững. Luật đã bổ sung cơ chế ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với những hàng hóa, dịch vụ thân thiện môi trường.

Cụ thể, điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 có nội dung: Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu. Ưu đãi tức là được xếp hạng cao hơn hoặc cộng thêm điểm vào điểm đánh giá cho nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi, hoặc cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi để so sánh, xếp hạng nhà thầu...

Với lựa chọn nhà đầu tư, Khoản 4 Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 quy định: Nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường... được hưởng cơ chế ưu đãi.

Hiện các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa trong dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi Luật Đấu thầu.

Ông Hòa nhìn nhận, cơ chế khuyến khích sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy đấu thầu bền vững, phát triển bền vững. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới khi nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những hiệp định đặt ra tiêu chuẩn rất cao về phát triển xanh, phát triển bền vững như: EVFTA, CPTPP... Trong công tác đấu thầu, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao trong “cuộc chơi” này. Thúc đẩy đấu thầu bền vững cũng là giải pháp để hàng hóa Việt Nam bước lên nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Hoàng Vinh - nhà thầu cung cấp hàng hóa trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có sản phẩm bàn ghế làm bằng gỗ, cho rằng, quy định mới trong Luật Đấu thầu rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy mua sắm xanh, mua sắm bền vững ở Việt Nam. Hiện nay, gỗ và sản phẩm từ gỗ được tiêu thụ bởi các chủ thể thuộc cơ quan nhà nước chiếm thị phần đáng kể thông qua các gói thầu mua sắm hàng hóa. Khi nguồn gỗ tự nhiên không còn nhiều, việc sử dụng các sản phẩm từ gỗ rừng trồng (gỗ hợp pháp với xuất xứ rõ ràng) sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ rừng, thúc đẩy khai thác, chế biến, thương mại gỗ bền vững.

Một trong trong những điểm đáng chú ý, ấn tượng tại Luật Đấu thầu 2023 là thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển xanh, phát triển bền vững. Luật đã bổ sung cơ chế ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với những hàng hóa, dịch vụ thân thiện môi trường.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) nhìn nhận, người Việt hiện đã có ý thức về môi trường cao hơn rất nhiều so với trước đây. Chính sách ưu đãi “mua sắm xanh” rất có ý nghĩa, rất cần thiết cho tương lai, nhất là khi cả xã hội, cộng đồng đang hướng đến mục tiêu này.

Lộ trình biến thách thức thành lợi thế cạnh tranh

Nhận thức tăng trưởng xanh là xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh để nắm bắt cơ hội. Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư thiết bị công nghệ nhằm kiểm soát tốt môi trường, xử lý triệt để chất thải, khí thải phát sinh..., xanh hóa quá trình sản xuất thép. Nhờ áp dụng các giải pháp này, Hòa Phát vừa giảm thiểu phát thải, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước sản xuất, vừa tạo nên sản phẩm thép xanh, thân thiện với môi trường, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, ông Lê Mạnh Cường cho hay, PTSC coi vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững là mục tiêu phải hướng đến. Thời gian qua, PTSC đã tham gia vào hầu hết các công đoạn ở nhiều dự án điện gió trên đất liền và gần bờ tại thị trường trong nước. Đây là tiền đề để PTSC mở rộng dịch vụ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Tuy vậy, nhiều nhà thầu cho rằng, việc đưa công nghệ xanh, vật liệu xanh, sản phẩm xanh vào quá trình triển khai gói thầu, dự án hiện có nhiều khó khăn. Để thúc đẩy phát triển bền vững, DN phải đầu tư thay đổi công nghệ khiến chi phí sản xuất tăng cao, trước mắt có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Trong khi đó, muốn trúng thầu thì giá dự thầu phải rất cạnh tranh, tiết giảm tối đa chi phí cho ngân sách nhà nước. Đây là thách thức rất lớn với các nhà thầu.

Một khó khăn khác là trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, các bên mời thầu chưa thực sự chú trọng đến nội dung xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng. Thực tế cũng chưa có tiêu chí rõ ràng về các nội dung này.

Để hiện thực hóa cơ chế khuyến khích thúc đẩy đấu thầu xanh, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chủ trương thân thiện với môi trường cần phải được đặt ra ngay từ bước xây dựng chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở cho đến quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng như xây dựng hồ sơ mời thầu.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Hoàng Vinh mong mỏi, để cơ chế ưu đãi xanh tại Luật Đấu thầu 2023 đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp đầu tư xanh hóa được hưởng lợi, cần quyết tâm chính trị của các cấp trong quá trình thực thi Luật với những hướng dẫn triển khai rõ ràng, cụ thể… Có như vậy, chính sách tốt mới mang lại hiệu quả thực sự cho nhà thầu và các bên liên quan.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư