Nhiều cơ sở y tế đang triển khai lựa chọn nhà thầu mua vật tư y tế, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm... Ảnh: Tiên Giang |
Từ ngày 27/2/2024 đến nay, nhiều CSYT trên cả nước đã tích cực tổ chức LCNT theo Luật Đấu thầu 2023. Gần đây nhất, ngày 18/3/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) của 4 gói thầu thuộc Dự toán Mua vật tư y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm (23,591 tỷ đồng). Cũng trong ngày 18/3/2024, Bệnh viện Quân y 5 (Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Quân đoàn 12) đã phát hành HSMT của 7 gói thầu thuộc Dự toán Mua thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế năm 2024 - 2025 với tổng dự toán 84,712 tỷ đồng…
Trước đó, ngày 15/3/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã mở thầu Gói thầu Mua máy gây mê kèm thở phục vụ công tác KCB năm 2024 (2,12 tỷ đồng) với 2 nhà thầu tham dự (Công ty CP Thiết bị và Dịch vụ y tế Việt Nam chào 1,736 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại Topline chào 2,12 tỷ đồng)…
Ngày 27/2/2024, Gói thầu Dụng cụ nội soi khớp của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM với giá 69,146 tỷ đồng đã được phê duyệt điều chỉnh kế hoạch LCNT, hiện chưa phát hành HSMT…
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phê duyệt kế hoạch LCNT Dự toán Mua sắm vật tư y tế sử dụng cho chuyên khoa năm 2024 hơn 436,145 tỷ đồng trước ngày 27/2/2024, chưa phát hành HSMT.
Bên cạnh đó, một số nhà quản lý bệnh viện chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu là chưa triển khai gói thầu nào theo Luật Đấu thầu 2023, hoặc chỉ “rón rén” mua sắm những gói thầu dưới 100 triệu đồng.
Một số lãnh đạo bệnh viện khác thì cho biết, để tránh bị lúng túng khi thực hiện quy định mới, đơn vị đã tổ chức mua sắm từ trước ngày 31/12/2023 nên một vài tháng tới vẫn còn hàng hoá. Ví dụ, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện cho biết, mặc dù nhiều nơi đang thiếu vật tư, thiết bị phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, nhưng Bệnh viện vẫn còn vì mới mở thầu vào tháng 10/2023. Tương tự, Bệnh viện Bạch Mai đang đánh giá hồ sơ dự thầu của các gói thầu đã mời thầu cuối năm 2023, hiện chưa có gói thầu nào thực hiện theo quy định mới.
Lý giải nguyên nhân chần chừ mua sắm theo quy định mới, giám đốc một bệnh viện tại Quảng Ninh chia sẻ, do các CSYT còn có băn khoăn, sợ sai, nên muốn chờ đến khi Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như: phân nhóm nước, vùng lãnh thổ; ban hành danh mục mặt hàng mua sắm theo cấp quốc gia, địa phương và CSYT; cách thức xây dựng cấu hình, tính năng kỹ thuật của vật tư, thiết bị...
Nguồn số liệu: Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia |
Trước băn khoăn này, ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: “Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã quy định rất chi tiết, nên các CSYT có thể mua sắm được ngay, không cần chờ đợi đến khi có thông tư hướng dẫn. Nghị định đã kế thừa các quy định của Nghị quyết số 30/NQ-CP, Thông tư số 14/2023/TT-BYT sau thời gian thí điểm hiệu quả như: xác định giá gói thầu theo báo giá. Theo đó, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp nếu chỉ có 1 hoặc 2 nhà cung cấp; kể cả trường hợp có 1 báo giá thì có thể lấy báo giá đó để lập giá kế hoạch; trong trường hợp có nhiều báo giá thì được phép lấy báo giá cao nhất”.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu KCB, theo ông Cương, các CSYT có thể lựa chọn các hình thức mua sắm mới như: tuỳ chọn mua thêm dưới 130% gói thầu mua sắm trước đó…; áp dụng chào giá trực tuyến rút gọn trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (chỉ mất 4 ngày là có thể mua được hàng hóa).
Đối với việc lựa chọn nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ, ông Cương cho biết, đã quy định rõ tại khoản 2 Điều 44 Luật Đấu thầu năm 2023 nên không phải hướng dẫn thêm. Theo đó, cứ có từ 2 nước hoặc vùng lãnh thổ trở lên có thể hình thành một nhóm.
Liên quan đến các thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu năm 2023 được giao cho Bộ Y tế ban hành, theo một thành viên Ban soạn thảo, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện các dự thảo thông tư và dự kiến ban hành trong 1 - 2 tuần tới. Nội dung cần hướng dẫn chủ yếu thuộc trách nhiệm mua sắm của Bộ Y tế (hình thức và danh mục đàm phán giá, các danh mục mua sắm tập trung, mua sắm thuốc hiếm), nên cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến các CSYT. Vì thế, các CSYT có thể triển khai mua sắm bình thường mà không phải chờ đợi.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu