Thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư vào lĩnh vực KCB

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB). Trong đó, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm là các hình thức thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư vào lĩnh vực KCB.
Thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư vào lĩnh vực KCB

Theo Dự thảo Nghị định ngày 14/7/2023, nội dung này được thiết kế thành một mục riêng với 7 tiểu mục, gồm có: Đầu tư thành lập cơ sở KCB tư nhân; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám KCB; Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê tài sản, đấu thầu vật tư xét nghiệm/hóa chất; Thuê đơn vị cung cấp dịch vụ, mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế; Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh – liên kết (LD – LK) ngoài cơ sở KCB của nhà nước; LD - LK ngoài đơn vị.

Về thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ sở KCB, các đơn vị có trách nhiệm xây dựng tiêu chí và triển khai lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản thực hiện theo các nội dung quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Nếu tài sản là cơ sở hạ tầng đơn vị căn cứ vào giá thuê trên thị trường, chi phí đầu tư của các tài sản tương tự và các điều kiện về hạ tầng giao thông, nhu cầu thực tế để xem xét, quyết định dự toán thuê, làm cơ sở để xây dựng giá gói thầu lựa chọn đơn vị cho thuê tài sản. Nếu tài sản là trang thiết bị, đơn vị xác định tổng dự toán tài sản đi thuê, làm cơ sở để xây dựng dự toán, giá gói thầu lựa chọn đơn vị cho thuê tài sản theo ca, tháng hoặc năm.

Đối với những trang thiết bị hiện có được Nhà nước giao, đầu tư cho đơn vị còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức để thực hiện các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao, theo Bộ Y tế, nếu việc đấu thầu vật tư xét nghiệm, hóa chất kèm theo trang thiết bị có hiệu quả hơn việc thuê trang thiết bị riêng hoặc đầu tư mua sắm trang thiết bị để thực hiện dịch vụ, thì các đơn vị được phép tổ chức đấu thầu. Tương tự, các đơn vị được đấu thầu nhà cung cấp dịch vụ để phục vụ hoạt động của đơn vị chỉ khi trường hợp tài sản được giao, được đầu tư, trang bị không đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, định mức để đơn vị hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời đấu thầu nhà cung cấp dịch vụ có hiệu quả hơn đầu tư, mua sắm; tổ chức các hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo yêu cầu, cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước. Nguồn vốn thực hiện được bố trí từ kinh phí chi thường xuyên để chi trả chi phí cho các đơn vị cung cấp dịch vụ. Trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước thì phải có trong dự toán ngân sách được giao.

Đối với việc mượn thiết bị y tế, Dự thảo Nghị định quy định, các cơ sở khám chữa bệnh căn cứ vào tiêu chuẩn định mức trang thiết bị y tế của đơn vị mình để mượn các trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ đơn vị, tổ chức trong nước trong trường hợp thiếu thiết bị y tế chưa có kinh phí để trang bị hoặc thiết bị y tế hiện có đang bị lỗi, hỏng, chưa sửa chữa kịp thời hoặc trong trường hợp khẩn cấp không thể chuyển bệnh nhân đi cơ sở điều trị khác. Các cơ sở y tế có trách nhiệm xây dựng hợp đồng mượn tài sản là trang thiết bị y tế trong đó nêu rõ về thời gian mượn, quyền và nghĩa vụ của các bên nhằm đảm bảo nghĩa vụ pháp lý hai bên và theo quy định của Luật dân sự, các văn bản pháp luật khác có liên quan. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng hình thức mượn trang thiết bị y tế trong trường hợp trên được Quỹ Bảo hiểm Y tế thanh toán.

Mặt khác, Dự thảo Nghị định cũng cho phép các đơn vị được sử dụng tài sản công để LD - LK với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao; hoạt động dịch vụ theo yêu cầu. Việc lựa chọn đối tác phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi lựa chọn được đối tác tham gia LD - LK, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các bên tham gia LD - LK xây dựng và phê duyệt danh mục các tài sản của đơn vị, của các đối tác tham gia đề án LD - LK; xây dựng, thương thảo và ký hợp đồng LD - LK, trong đó việc phân chia thu nhập do đơn vị thống nhất với các bên tham gia liên doanh; xây dựng và quyết định mức giá của các dịch vụ do đề án LD - LK cung cấp; tổ chức thực hiện việc LD - LK theo quy định của pháp luật. Việc mua thuốc, vật tư, hoá chất phục vụ hoạt động trong quá trình LD - LK phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm vật tư, hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc lĩnh vực y tế được áp dụng trong lĩnh vực KCB, y tế dự phòng và kiểm nghiệm với quy mô dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên. Dự thảo Nghị định dẫn chiếu quy trình, trình tự, thủ tục đầu tư dự án thực theo quy định tại Điều 4 của Luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế…

Chuyên đề