Thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm: Mặt hàng nào vào danh mục mua sắm tập trung?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế đang đề xuất đưa 10 mặt hàng thiết bị y tế (TBYT), vật tư xét nghiệm (VTXN) vào Danh mục mua sắm tập trung (MSTT) cấp quốc gia. Đề xuất này nhận được nhiều đồng thuận với kỳ vọng khắc phục được những bất cập trong thời gian qua như chênh lệch giá, “ế thầu”, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu..., nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau về tiêu chí xây dựng Danh mục.
10 mặt hàng thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được Bộ Y tế đề xuất vào Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia. Ảnh: Lê Tiên
10 mặt hàng thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được Bộ Y tế đề xuất vào Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia. Ảnh: Lê Tiên

Tại Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục MSTT cấp quốc gia đối với thuốc, TBYT, VTXN, Bộ Y tế đề xuất xây dựng Danh mục đối với TBYT, VTXN dựa trên 3 tiêu chí, gồm: TBYT, VTXN chiếm tỷ trọng chi phí lớn trong thanh toán tại các cơ sở y tế (CSYT); TBYT, VTXN sử dụng phổ biến tại các tuyến cơ sở khám chữa bệnh; các loại TBYT, VTXN có quy cách có tính độc lập, chỉ tiêu kỹ thuật có thể sử dụng chung cho nhiều CSYT, không bị phụ thuộc nhiều vào yêu cầu chuyên môn đặc thù. Tối đa 2 năm/lần, Danh mục sẽ được cập nhật, bổ sung hoặc loại bỏ.

Theo đó, 10 mặt hàng TBYT, VTXN được Bộ Y tế đề xuất vào Danh mục gồm: kim luồn tĩnh mạch (8 chủng loại), máy X-quang (3 chủng loại: tổng quát, di động, C-Arm), máy siêu âm (chẩn đoán đen trắng, chẩn đoán Doppler màu), máy phá rung tim có tạo nhịp, bơm tiêm điện (nhiều kích cỡ và hãng sản xuất khác nhau), máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, micropipet tự động (2-20µl và 20-200µl), khẩu trang y tế 3 lớp, găng tay y tế, bộ trang phục phòng chống dịch/quần áo bảo vệ.

Thực tế thời gian qua, một số ngành, địa phương đã tiến hành MSTT cho các CSYT trên địa bàn, đơn vị trực thuộc. Đơn cử, cuối tháng 12/2023, Bệnh viện Quân y 87 (thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) đã lựa chọn được nhà thầu thực hiện Gói thầu TB-05 Mua sắm thiết bị X-quang và siêu âm (45,485 tỷ đồng) thuộc Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị, hiện đại hóa hệ thống y tế tại các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng (301,472 tỷ đồng). Ở cấp địa phương, Sở Y tế TP. Hải Phòng được giao mời thầu Gói thầu Mua sắm thiết bị chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm (3 máy X-quang kỹ thuật số chụp tổng quát, 1 máy siêu âm tổng quát, 4 máy xét nghiệm sinh hóa) với giá 12,028 tỷ đồng…

Trong khi đó, tại một số bên mời thầu, việc tự lựa chọn nhà thầu mua sắm TBYT không mấy thuận lợi, phải tổ chức đấu thầu nhiều lần... Đơn cử, Gói thầu Mua sắm hệ thống X-quang nhũ ảnh kỹ thuật số, máy siêu âm phục vụ công tác chẩn đoán hình ảnh (7,45 tỷ đồng) thuộc Dự toán Mua sắm TBYT phục vụ công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai năm 2023 phải mở thầu 2 lần…

Ngoài ra, giá trúng thầu mỗi nơi một khác. Cùng là hệ thống X-quang nhũ ảnh kỹ thuật số Amulet Innovality FDR MS-3500 (máy chính) do hãng Fujifilm Healthcare Manufacturing Corporation (Nhật Bản) sản xuất, giá trúng thầu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai tháng 9/2023 là 5,412 tỷ đồng; còn giá trúng thầu vào tháng 12/2023 tại Bệnh viện Quân y 87 (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) là 9,97 tỷ đồng...

Việc đề xuất MSTT các mặt hàng trên nhận được nhiều đồng thuận với kỳ vọng khắc phục những bất cập trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc để thống nhất tiêu chí xây dựng Danh mục, ví dụ chỉ MSTT cấp quốc gia đối với một số chủng loại cụ thể hay tất cả các dòng TBYT, VTXN; hài hòa giữa hiệu quả mua sắm và hiệu quả sử dụng để tránh lãng phí nguồn lực…

Ý kiến từ một bệnh viện tuyến Trung ương cho rằng, mặt hàng kim luồn tĩnh mạch đang được liệt kê khá chi tiết chủng loại về cấu hình, vật liệu, tiêu chuẩn chất lượng, tính năng kỹ thuật. Điều này có nghĩa là các mặt hàng khác với Danh mục thì các CSYT được quyền tự mua sắm cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện, nhưng cũng dễ dẫn đến tình trạng CSYT lách luật bằng cách đưa thêm yêu cầu về cấu hình, tính năng kỹ thuật để không phải MSTT cấp quốc gia.

Việc này từng diễn ra trong quá khứ khi Bộ Y tế thí điểm MSTT 4 nhóm VTYT giai đoạn 2019 - 2020 (thủy tinh thể nhân tạo các loại, giá đỡ (stent) động mạch vành, kim luồn tĩnh mạch và bóng nong), trong đó số lượng đăng ký nhu cầu lên tới gần 4 vạn kim luồn, nhưng sau khi trúng thầu, các CSYT chỉ gọi thầu 100 - 200 cái, còn lại là tự mua sắm.

Đối với mặt hàng máy X-quang, siêu âm, bơm tiêm điện…, theo dự thảo Danh mục, sẽ MSTT cấp quốc gia tất cả các chủng loại hiện có trên thị trường. Khối lượng mua sắm như vậy là rất lớn, đặt ra nhiều thách thức cho đơn vị MSTT, nguy cơ rủi ro cho các CSYT khi MSTT chậm, độc quyền sản phẩm và giá bán... Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, cùng là máy siêu âm, nhưng thực tế mỗi chuyên ngành lại đòi hỏi khác nhau như sản khác nội tiết, người lớn khác trẻ em…

“Để có tính khả thi, Bộ Y tế chỉ nên thử nghiệm 1 - 2 loại. Trong đó, có thể phân lô theo cấu hình, tính năng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thực tế của các bệnh viện và chuyên khoa khác nhau”, một bệnh viện tuyến Trung ương khuyến nghị.

Một sở y tế đề xuất loại bỏ các thiết bị như máy X-quang, máy siêu âm... khỏi Danh mục, vì đây là các thiết bị có rất nhiều lựa chọn về cấu hình để phù hợp nhu cầu sử dụng của các CSYT, việc đưa về 1 cấu hình để đấu thầu là không khả thi. Thay vào đó, Bộ Y tế nên nghiên cứu trình Chính phủ ban hành khung giá tối đa dựa trên yếu tố đầu vào của thiết bị để làm cơ sở lập dự toán đấu thầu.

“Danh mục nên bổ sung các thiết bị kỹ thuật cao như: CT, MRI, hệ thống mổ robot… vì đa số các tỉnh hiện không đủ khả năng tổ chức đấu thầu mua sắm các thiết bị này do giá trị quá lớn và khó có giá so sánh để đảm bảo công bằng, minh bạch. Ngoài ra, nên bổ sung dịch lọc và vật tư dùng trong lọc thận nhân tạo, các bơm tiêm dùng 1 lần vào Danh mục”, một sở y tế đề xuất.

Chuyên đề