Ảnh Internet |
Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, việc nhiều đại lý bảo hiểm có hành vi gian lận bảo hiểm đã và đang làm giảm lợi nhuận và uy tín của các DNBH. Các đại lý thường sử dụng những thủ đoạn gian lận như nào?
Đúng là đã có những trường hợp gian lận xảy ra liên quan đến đại lý bảo hiểm, dẫn đến những tác động xấu cho thị trường và ảnh hưởng đến uy tín của DNBH. Một số vi phạm phổ biến như: chiếm dụng phí bảo hiểm của khách hàng (thu phí của khách hàng nhưng không nộp về công ty), tự ký thay cho khách hàng trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm (trường hợp này thường là có sự đồng thuận của khách hàng và người chịu thiệt chính là khách hàng vì DN sẽ không thể chịu trách nhiệm với hợp đồng bảo hiểm đó); giả danh khách hàng tự ý lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm để trục lợi thi đua (đại lý tự thu thập hồ sơ giấy tờ liên quan đến khách hàng để phát hành hợp đồng bảo hiểm nhằm mục đích đạt doanh số sau đó bỏ ngang hợp đồng, công ty không thể liên lạc được với khách hàng vì mọi thông tin đều do chính tay đại lý tự kê khai); đại lý tư vấn cho khách hàng các cách để trục lợi bảo hiểm từ công ty (không kê khai trung thực về tình trạng sức khỏe; gian lận trong hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm; đại lý tự ý thông tin quảng cáo sai sự thật về sản phẩm và hoạt động của DNBH…).
Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có quy định rõ về hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP và Nghị định 48/2018/NĐ-CP quy định rõ hình thức xử phạt hành vi vi phạm các quy định về đại lý bảo hiểm.
Quy chế quản lý đại lý bảo hiểm và sử dụng thông tin trên hệ thống AVICAD giữa các DNBH nhân thọ đã liệt kê 15 hành vi vi phạm của các đại lý bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, nếu các đại lý thực hiện bất cứ hành vi nào sẽ bị đưa vào danh sách đại lý vi phạm và các DNBH nhân thọ hội viên của Hiệp hội sẽ không tuyển dụng đại lý đó trong vòng 3 năm. Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội, có 6.509 đại lý đang nằm trong danh sách đại lý vi phạm.
Theo ông, các DNBH cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của chính DN và lợi ích của khách hàng?
Có thể thấy những gian lận của đại lý đối với DN chiếm số lượng đáng kể (chiếm dụng tiền, tài sản của DN; gian lận trong hồ sơ, giấy tờ để được làm đại lý bảo hiểm). Vì vậy, đã đến lúc các DNBH cần siết chặt hơn nữa công tác tuyển dụng, đào tạo và quản lý đại lý. Thay vì chạy đua tuyển dụng, mời chào đại lý thì cần tập trung vào chất lượng tuyển dụng và đào tạo để chuyên nghiệp hóa đội ngũ đại lý hiện có của mình.
DNBH nên phát triển đại lý theo hướng đại lý chuyên nghiệp phục vụ toàn thời gian; nâng cao ý thức nghề nghiệp của đại lý đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ đó nâng cao nhận thức của đại lý về nghề nghiệp của mình, tăng tính chuyên nghiệp và tuân thủ.
Để hạn chế hành vi gian lận của các đại lý bảo hiểm, phải chăng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, thưa ông?
Hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có (Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung một số điểm năm 2010; các nghị định, thông tư hướng dẫn…). Luật được ban hành cho đến nay cũng đã được gần 20 năm, và nhiều nội dung có thể không còn phù hợp với tình hình phát triển hiện nay của thị trường bảo hiểm. Tôi được biết Bộ Tài chính đang trong quá trình tổng kết thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm và trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua Luật mới đáp ứng được các yêu cầu quản lý phù hợp với mức độ phát triển mới của thị trường bảo hiểm.