Thêm giải pháp hỗ trợ mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, pháp luật về đấu thầu liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế đến nay đã cơ bản hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ. Theo đó, những đơn vị còn tình trạng triển khai chậm, thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế cần xem xét lại quy trình tổ chức thực hiện và trách nhiệm thực thi. Để tạo thuận lợi hơn trong việc triển khai, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình mua sắm áp dụng chung cho toàn ngành.
Vẫn còn tình trạng chậm triển khai mua sắm, đấu thầu, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Vẫn còn tình trạng chậm triển khai mua sắm, đấu thầu, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Thông tin bên lề Hội nghị Khoa học Bệnh viện Bạch Mai lần thứ 32 tổ chức ngày 24/9, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị y tế trong Danh mục Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng mức đầu tư 242,6 tỷ đồng, mua được những thiết bị y tế đáp ứng được yêu cầu chuyên môn thực tiễn của Bệnh viện với giá tiết kiệm cao.

Cũng theo ông Đào Xuân Cơ, số lượng người dân đến khám, chữa bệnh tại Bạch Mai thời gian qua gia tăng mạnh, có thời điểm, Bệnh viện tiếp đón hơn 10.000 bệnh nhân/ngày, nhưng hầu hết bệnh nhân ngoại trú được chụp chiếu và có đơn thuốc ngay trong ngày. Đồng thời, Bệnh viện đảm bảo đáp ứng đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Sở dĩ Bạch Mai làm được như vậy là vì từ khoa phòng, Ban giám đốc cho đến Đảng ủy có sự quản lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch trong các hoạt động, đặc biệt là có biện pháp phòng chống tham nhũng. “Theo tôi, quan trọng nhất là cần có sự chủ động”, ông Cơ cho biết.

Trong bức tranh chung, ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế chia sẻ, phản ánh của các cơ quan truyền thông và báo cáo của các địa phương cho thấy, thực tế vẫn có tình trạng chậm trễ trong việc triển khai mua sắm, đấu thầu, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Như vậy, cùng một mặt bằng chính sách, nhưng có nơi làm được, có nơi không, nên cần phải xem xét lại cách thức tổ chức thực hiện.

Thời gian qua, ông Hoàng Cương cho biết thêm, Bộ Y tế nhận được rất nhiều văn bản của các sở y tế, bệnh viện đề nghị hướng dẫn thực hiện mua sắm đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Đa số nội dung mà các cơ quan, đơn vị đề nghị hướng dẫn đều đã được quy định trong Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế.

Để giúp các đơn vị triển khai thuận lợi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến các quy định pháp luật về đấu thầu trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản số 3314/BYT-KH-TC ngày 17/6/2024, Văn bản số 4060/BYT-KH-TC ngày 16/7/2024... để hỗ trợ quá trình thực thi theo quy định mới. Theo thống kê, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều văn bản phúc đáp để hướng dẫn các địa phương, đơn vị như: Văn bản số 1763/QLĐT-CS ngày 14/8/2024 gửi Bộ Y tế; Văn bản số 1700/QLĐT-CS ngày 06/8/2024 gửi Sở Y tế tỉnh Sơn La; Văn bản số 1255/QLĐT-CS ngày 07/6/2024 gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp; Văn bản số 1232/QLĐT-CS ngày 06/6/2024 gửi Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên…

Ông Cương cho rằng, một số địa phương, đơn vị còn lúng túng hay chậm trễ trong việc thực hiện mua sắm, đấu thầu là do sự thụ động từ quá trình góp ý chính sách đến thi hành chính sách mới. Khi một văn bản mới có hiệu lực thì các đơn vị mới cuống cuồng, không biết làm như thế nào hoặc đụng cái gì cũng kêu khó.

Bộ trưởng Bộ Y tế thì nhận định, nguyên nhân chậm trễ có thể xuất phát từ hiện tượng né tránh trách nhiệm, gửi văn bản hành chính để đẩy trách nhiệm lên cơ quan cấp trên, các bộ hoặc các cơ quan khác. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc và quyền lợi của người dân. “Cần xác định rõ công tác đấu thầu mua sắm là nhiệm vụ và là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế. Vai của chính mình mà né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, làm dân khổ thì phải kỷ luật”, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thực tế, bà Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã từng yêu cầu Sở Y tế TP. Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề nghị UBND TP. Cần Thơ xem xét hình thức kỷ luật đối với trường hợp không làm hết trách nhiệm trong việc mua sắm dẫn đến tình trạng thiếu máu và chế phẩm máu kéo dài ở các bệnh viện vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023.

Hiện nay, hành lang pháp lý đã tốt hơn, có đủ cơ sở để các đơn vị triển khai hoạt động mua sắm, đấu thầu thuận lợi. “Các sở y tế, cơ sở y tế không đơn độc, không nên quá lo lắng, vì Bộ Y tế luôn đồng hành trong quá trình triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

Nhằm giúp các đơn vị mua sắm trong ngành tự tin, yên tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ, ông Hoàng Cương cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng Sổ tay quy trình mua sắm để “cầm tay chỉ việc”, giúp cho người thực hiện nhiệm vụ dễ dàng đối chiếu, triển khai.

Trên thực tế, có một số đơn vị đã chủ động xây dựng quy trình nội bộ như tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lê Đình Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, Bệnh viện đã ban hành quy trình mua sắm nội bộ, trong đó nêu rõ tuần tự từng bước xây dựng, phê duyệt, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các biểu mẫu kèm theo. Với quy trình cụ thể như vậy, người chưa từng có kinh nghiệm tham gia hoạt động đấu thầu cũng có thể làm được và nhà quản lý cũng dễ dàng kiểm tra, giám sát từng khâu. “Việc xây dựng Sổ tay quy trình mua sắm áp dụng chung cho toàn ngành là rất cần thiết, nhằm thống nhất và đồng bộ trong cách thực hiện. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm ban hành sổ tay này”, ông Cường đề nghị.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư