Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án BOT giao thông, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro theo thông lệ quốc tế. Ảnh: Lê Toàn |
Bộ Giao thông - Vận tải vừa chính thức hủy mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư Dự án thành phần 1B thuộc Dự án Xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn I, đường vành đai III, TP.HCM theo hình thức PPP.
Đây là một trong những dự án hạ tầng PPP hiếm hoi do Bộ Giao thông - Vận tải giữ vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tuyển chọn nhà đầu tư qua đấu thầu. Tuy nhiên, sau 2 tháng kể từ khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, tại thời điểm đóng thầu lúc 9 giờ ngày 20/5/2016, không có bất kỳ nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
Trong 2 đợt bán hồ sơ mời sơ tuyển (bao gồm cả lần gia hạn cuối tháng 4), đơn vị đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long) đã bán được tổng cộng 6 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và Việt Nam.
Kết quả này là điều khá bất ngờ đối với chính CIMP, bởi Dự án xây dựng đường vành đai III, TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn I, thành phần 1B luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư do đây là tuyến đường cửa ngõ huyết mạch, có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn của cả Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Trong khi đó, quy mô tổng mức đầu tư Dự án khoảng 4.000 tỷ đồng cũng không phải là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư.
Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc CIMP Cửu Long cho biết, trong danh sách dài lý do bỏ cuộc mà đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu nhận được từ các nhà đầu tư đã từng bỏ chi phí mua hồ sơ mời sơ tuyển, thì quan ngại về rủi ro liên quan đến giải phóng mặt bằng được nêu đầu tiên.
“Việc nhà đầu tư được yêu cầu chịu toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng như các chi phí phát sinh là một gánh nặng quá lớn do phải phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như thái độ hợp tác của người dân bị ảnh hưởng, trong khi đây là đều là những yếu tố khó lường”, một cán bộ tại CIMP Cửu Long cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thường triển khai khá chậm, hay xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài và không chấp hành việc bàn giao mặt bằng, trong khi giá đất để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong thời gian qua quá thấp so với giá chuyển nhượng thực tế, nên các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thường không chấp nhận cho vay khi điều này xảy ra.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cảm thấy thất vọng khi hồ sơ mời sơ tuyển không có điều khoản cho phép bảo lãnh trong trường hợp chấm dứt hợp đồng sớm và rủi ro thay đổi tỷ giá, nhất là khi dự án được thực hiện bởi cả đồng nội tệ và ngoại tệ.
Cần phải nói thêm rằng, trong 3 năm qua, có khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Ấn Độ đến “gõ cửa” Bộ Giao thông - Vận tải, nhưng tất cả đều dừng lại ở việc “ngắm” dự án, mà không hẹn ngày trở lại.
Cơ chế chia sẻ rủi ro được đưa ra từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau hơn 3 năm tuy có nhiều cải tiến, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ vốn vào các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).
“Ở lĩnh vực mà chưa được luật định, chỉ mới dừng ở nghị định như BOT, PPP, thì rủi ro trong chính sách rất lớn, nhất là khi nhà đầu tư bỏ ra lượng tiền rất lớn và phải thu hồi vốn trong thời gian dài”, ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban Quản lý dự án PPP (Bộ Giao thông - Vận tải) giải thích.
Theo các chuyên gia, sự vắng mặt của các nhà đầu tư ngoại cho thấy, chính sách chia sẻ rủi ro tại các dự án BOT giao thông tại Việt Nam chưa tiệm cận được thông lệ quốc tế. Đây cũng là lý do khiến sân chơi này là sự độc diễn của các nhà đầu tư nội, mà hệ lụy lớn nhất là sự thâm dụng quá mức nguồn vốn ngắn hạn đáng ra nên chảy vào các ngành sản xuất khác.
Để có thể mở lối cho các nhà đầu tư ngoại, Bộ Giao thông - Vận tải vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP lựa chọn và chủ trì thực hiện một hoặc một số dự án thí điểm đầu tư kết cấu hạ tầng.
“Những kinh nghiệm thu được sẽ làm cơ sở đánh giá, hoàn thiện chính sách để có thể thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tín dụng nước ngoài trong lĩnh vực giao thông”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.
Được biết, đối với Dự án thành phần 1B thuộc Dự án Xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn I, đường vành đai III, TP.HCM, cùng với việc hủy sơ tuyển, Bộ Giao thông - Vận tải đã đồng ý để CIPM Cửu Long nghiên cứu điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển và tổ chức lại việc sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.
“CIPM Cửu Long nghiên cứu các ý kiến của nhà tài trợ, nhà đầu tư đăng ký tham gia sơ tuyển, tư vấn pháp lý đề xuất chương trình tham vấn giữa các bên liên quan”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.