Thấy gì từ các vụ bắt giam, khởi tố liên quan đến đấu thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hiệu quả nghiêm trọng” được cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện, khởi tố, bắt giam các đối tượng liên quan để điều tra, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Vậy, những vụ việc này cho thấy điều gì?
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Đắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Công an Trà Vinh
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Đắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Công an Trà Vinh

Gần đây nhất, ngày 6/6/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) để điều tra vi phạm liên quan tới Công ty CP Công nghệ Việt Á. Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên và các công ty, đơn vị có liên quan.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế và giáo dục trong thời gian qua tại nhiều địa phương.

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trước nhu cầu cấp bách của phòng chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như cho phép chỉ định thầu trong mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch. Nhu cầu mua sắm cấp bách, trong khi hàng hóa khan hiếm nên đơn vị mua sắm không có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, Công ty CP Công nghệ Việt Á được nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương ưu ái, tiếp tay trong việc nghiệm thu, cấp phép lưu hành sản phẩm, chỉ định thầu... Do đó, nhiều Sở Y tế, CDC bị “dính chàm” là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, những quy định về thẩm định giá chưa hoàn thiện, không rõ ràng tạo nên kẽ hở cho những hành vi trục lợi có đất sống, từ đó có tình trạng thổi giá, nâng khống giá trang thiết bị lên cao, thậm chí vượt hàng chục lần.

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh - nguyên Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lâu nay việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, giáo dục thường được coi là lĩnh vực lặt vặt, “cò con”, nên ít được để ý đến hơn so với những dự án đầu tư phát triển. Trước bối cảnh đại dịch toàn cầu đe dọa tới tính mạng của mọi người dân, nhu cầu mua sắm, trang bị để phòng chống dịch là rất lớn và trên diện rộng, ảnh hưởng tới số đông, nên những hành vi trục lợi, băng hoại đạo đức bị cả xã hội lên án gay gắt.

Đánh giá về pháp luật đấu thầu hiện hành, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, nhiều quy định đã tiệm cận với thông lệ quốc tế; công khai, minh bạch thông tin đấu thầu ngày càng được đẩy mạnh; đấu thầu tập trung, đấu thầu qua mạng được triển khai rộng rãi. Luật Đấu thầu có quy định về hành vi bị nghiêm cấm và đưa ra các biện pháp trừng phạt… Nhưng dường như những nỗ lực này đều chưa phát huy hết hiệu quả bởi những hành vi như thông thầu, quân xanh - quân đỏ, hay thuê xã hội đen uy hiếp, cản trở nhà thầu lạ… vẫn xảy ra. Vấn đề cốt lõi ở đây là nằm ở việc thực thi pháp luật kém. Do đó, muốn bốc thuốc thì phải bắt đúng bệnh, bệnh đâu chữa đấy, củng cố chế định và kiên trì thực thi.

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, với tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hiệu quả nghiêm trọng”, án phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn có thể phải thực hiện biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại, hoặc các biện pháp bổ sung khác. Đây là hình phạt rất nặng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Thực tế nghị án các vụ án có liên quan cho thấy, việc xác định tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hiệu quả nghiêm trọng” không khó.

Tuy vậy, Luật sư Huế cho rằng, không phải cứ quy định hình phạt thật nặng là khiến cho tội phạm e ngại. Vấn đề đáng cảnh báo ở đây là tình trạng thực thi pháp luật không nghiêm, có hiện tượng lợi ích nhóm, bao che cho hành vi tiêu cực; thiếu hành lang pháp lý về công khai, minh bạch thông tin làm hạn chế vai trò giám sát của người dân, báo chí; chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Chuyên đề