Ảnh Internet |
Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Luật Quy hoạch, về một số nội dung xoay quanh Dự án Luật này.
Thưa ông, Dự án Luật Quy hoạch có những điểm mới nào?
Dự án Luật Quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất để kiến tạo sự phát triển theo cơ chế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, giảm bớt gánh nặng đầu tư công và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các quy định của Dự án Luật Quy hoạch sẽ giúp bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Ngoài ra, việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm và các giấy phép trái với quy luật của kinh tế thị trường trong Dự án Luật Quy hoạch sẽ là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thông qua việc thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, Luật Quy hoạch cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.
Qua quá trình nghiên cứu và tổng hợp ý kiến từ các cơ quan, tổ chức cũng như các chuyên gia quy hoạch trong nước và quốc tế, Ban soạn thảo đã đề xuất xây dựng hệ thống quy hoạch như sau: Cấp quốc gia (gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch ngành quốc gia); Cấp vùng (Quy hoạch vùng); Cấp tỉnh (Quy hoạch tỉnh); Quy hoạch đô thị, nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tuy nhiên, sau khi dự án Luật được trình lên Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đề xuất bổ sung thêm một phương án mới với những điều chỉnh chính theo hướng cấp quốc gia chỉ còn quy hoạch ngành quốc gia. Cấp vùng có quy hoạch vùng và bổ sung thêm quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định lập tùy theo yêu cầu phát triển. Giữ nguyên quy hoạch tỉnh ở cấp tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn. Bổ sung thêm quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị. Sau khi các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành rà soát để tổng hợp thành Tổng thể quy hoạch quốc gia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định điều chỉnh các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cho phù hợp.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 năm 2015, Chính phủ đã thống nhất thông qua Dự án Luật Quy hoạch với hai phương án về hệ thống quy hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Một trong những hạn chế, yếu kém của các văn bản pháp luật hiện nay là thiếu chế tài xử lý/chế tài chưa nghiêm. Vậy, Dự án Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn có những chế tài gì để các quy định về quy hoạch được tuân thủ?
Để tăng cường kỷ luật trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, Dự thảo Luật Quy hoạch quy định cụ thể các hành vi vi phạm và hình thức xử lý vi phạm trong hoạt động quy hoạch. Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quy hoạch trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, để bảo đảm việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch, Dự thảo quy định về quyền và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động quy hoạch, việc giám sát hoạt động quy hoạch của cơ quan quản lý nhà nước và giám sát xã hội kết hợp với công bố công khai quy hoạch.
Tiến độ của Dự án Luật Quy hoạch đã đến khâu nào?
Trong thời gian 6 năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật, Dự án Luật Quy hoạch đã được Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến tại 3 phiên họp Chính phủ, được Thường trực Chính phủ cho ý kiến tại 3 cuộc họp Thường trực Chính phủ. Đến nay, Dự án Luật Quy hoạch được Chính phủ thống nhất thông qua tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2016.
Hiện Dự án Luật Quy hoạch đã được hoàn thiện theo chỉ đạo của Chính phủ và được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ II của Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 10/2016.