Theo Thanh tra tỉnh, huyện Bình Liêu sử dụng kinh phí sự nghiệp 40.335 triệu đồng để đầu tư xây mới 11 dự án, công trình. |
Thực hiện Quyết định 3868 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm điều tiết nguồn thu giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011 và thời kỳ 2011 – 2015.
Sở Tài Chính đã tham mưu lập dự toán cho UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ ngoài định mức phân bổ chung cho sự nghiệp kiến thiết kinh tế đối với 3 địa phương Bình Liêu, Vân Đồn và Quảng Yên trong 3 năm 2011 – 2013 là hơn 310 tỷ đồng, trong đó Quảng Yên 129 tỷ, Vân Đồn 98 tỷ và Bình Liêu 83 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh: Trong quá trình tổng hợp số liệu hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách cho các địa phương đưa vào dự toán mục chi sự nghiệp kiến thiết kinh tế để trình các cấp có thẩm quyền thẩm tra, xem xét thông qua dự toán chi ngân sách hàng năm, Sở Tài chính không có tài liệu thuyết minh nêu số liệu chi tiết…
Một số nội dung hỗ trợ để thực hiện các dự án đầu tư, Sở Tài chính đã tham mưu đưa vào mục chi sự nghiệp; sau khi dự toán ngân sách hàng năm được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh ra quyết định phân bổ, Sở Tài chính đã hướng dẫn một số địa phương sử dụng kinh phí được hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ bản là không phù hợp quy định pháp luật.
Cụ thể, huyện Bình Liêu sử dụng kinh phí sự nghiệp 40.335 triệu đồng để đầu tư xây mới 11 dự án, công trình; trong đó, 2 công trình, Sở Tài chính hướng dẫn phân bổ nguồn vốn sự nghiệp.
UBND huyện Vân Đồn sử dụng kinh phí sự nghiệp 29.728 triệu đồng để xây dựng 8 dự án, công trình và TX. Quảng Yên đã dùng 49.654 triệu đồng để đầu tư xây dựng mới 8 công trình, trong đó có 7 công trình do Sở Tài chính hướng dẫn phân bổ sử dụng nguồn vốn.
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, tổng giá trị sai phạm cần xử lí là hơn 16 tỷ đồng, trong đó sai phạm phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước là 1,4 tỷ đồng; sai phạm giảm trừ khi quyết toán là hơn 11 tỷ và thi công không đúng thiết kế phải tổ chức thi công lại là hơn 3 tỷ đồng.
Một trong những huyện có sai phạm nhiều nhất là Bình Liêu với 12.090,7 triệu đồng gồm giá trị sai phạm phải thu hồi về tài khoản Thanh tra tỉnh tạm giữ để xử lí nộp ngân sách 750 triệu đồng; giá trị chênh lệch đơn giá, sai phạm phải giảm trừ khi quyết toán dự án hơn 8 tỷ đồng; khối lượng thi công, nghiệm thu không đúng thiết kế phải tổ chức thi công lại là hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cũng yêu cầu đối với dự án Kè phía đông thị trấn Bình Liêu, chủ đầu tư phải xem xét giảm trừ giá trị do chênh lệch đơn giá giữa thi công bằng máy và thủ công đối với khối lượng đào phá bằng thủ công đã nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu; Điều chỉnh giảm trừ giá trị dự toán do lập và phê duyệt sai 13.563,4 triệu đồng đối với dự án Kè chống sạt lở khu dân cư phía đông thị trấn Bình Liêu, xử lí điểm đen Km5+200 và Km7+700 đường Bình Liêu – Húc Động, thu hồi số tiền tạm ứng cho nhà thầu theo hợp đồng do đình hoãn dự án đường vào cụm Trường Dân tộc Nội trú tỉnh 2.000 triệu đồng.
Tại huyện Vân Đồn, tổng số tiền sai phạm phải xử lý là 1,566 triệu đồng. Thanh tra tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư thu hồi số tiền tạm ứng hợp đồng về ngân sách huyện do đình hoãn 2 dự án 2,7 tỷ với công trình nâng cấp, mở rộng đường tỉnh lộ 334 với dự án khu dân cư ven biển thị trấn Cái Rồng.
Tương tự, TX Quảng Yêu phải xử lí số tiền sai phạm 2.448 triệu đồng.
Từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan, Thanh tra tỉnh cho rằng: Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh giao dự toán chi mục sự nghiệp vượt định mức, dẫn đến việc giao dự toán thu chi ngân sách hàng năm thiếu minh bạch và không công bằng giữa các địa phương, không đúng quy định Nhà nước, gây khó khăn trong quản lí tài chính, hoạt động đầu tư.
Qua đó, Sở Tài chính phải chịu trách nhiệm cùng với địa phương tháo gỡ khó khăn trên. Đồng thời Thường trực Huyện ủy, UBND các huyện phải chịu trách nhiệm về việc phê duyệt chủ trương sử dụng vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, khởi công xây mới.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch (phụ trách lĩnh vực đầu tư XDCB) chịu trách nhiệm về việc quyết định đầu tư dự án chưa thông qua HĐND; chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự toán chưa chính xác; phê duyệt chia nhỏ dự án thành các công trình; phê duyệt hồ sơ yêu cầu chi tiết biện pháp, phương tiện thi công, chưa đúng khối lượng, chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án và việc xảy ra nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, chất lượng dự án…
Sai phạm cụ thể trong từng dự án và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã được các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý như thế nào.