Thanh tra mua sắm vật tư y tế chống Covid-19 tại TP.HCM: Gọi tên các gói thầu có dấu hiệu bất thường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM (thời kỳ 1/1/2020 đến 31/12/2021) của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều tồn tại, thậm chí sai phạm đến mức phải chuyển sang cơ quan điều tra.
Một số gói thầu mua sắm vật tư y tế phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá. Ảnh: Nhã Chi
Một số gói thầu mua sắm vật tư y tế phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá. Ảnh: Nhã Chi

Theo Thanh tra Chính phủ, tại các gói thầu được thanh tra, đa số chủ đầu tư áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn để lựa chọn nhà thầu. Một số ít chủ đầu tư lựa chọn hình thức mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi. Đối với hình thức chỉ định thầu, nhiều sai sót đã được phát hiện như: các chủ đầu tư chưa làm đúng quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 38 Luật Đấu thầu; Khoản 1 Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Điểm a Khoản 1 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Mục 3 Phần I Công văn số 6144/BKHĐT-QLĐT ngày 13/9/2021 về việc thực hiện pháp luật đấu thầu và các nghị quyết của Chính phủ về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Các sai sót trên dẫn tới kéo dài thời gian mua sắm, không đáp ứng được tính cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu so với quy định tại Khoản 1 Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như Sở Y tế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện một số chủ đầu tư như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện TP. Thủ Đức, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Trưng Vương… đã không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu một số gói thầu theo quy định. Điều này làm hạn chế thông tin về giá trúng thầu để các cơ quan, đơn vị tham khảo, đối chiếu khi xây dựng giá gói thầu Trong khi đó, một số chủ đầu tư không tiến hành thương thảo hợp đồng theo quy định. Cụ thể như Bệnh viện Nhi đồng 2 không thương thảo hợp đồng đối với 43/43 gói thầu mua sắm sinh phẩm. Bệnh viện Trưng Vương không thương thảo hợp đồng Gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm Sars-Cov-2 tại cộng đồng và cơ sở y tế năm 2021.

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn việc xác định giá để xây dựng giá gói thầu. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư chưa tuân thủ hướng dẫn, dẫn tới xây dựng giá gói thầu cao hơn đơn giá Bộ Y tế công bố. Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh có 2 gói, Bệnh viện An Bình 1 gói, Bệnh viện Từ Dũ có 2 gói. Cá biệt tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, chủ đầu tư chỉ căn cứ bảng chào giá của 1 nhà cung cấp.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, một số gói thầu phát hiện dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá bán cao bất thường.

Đầu tiên là 2 gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục chống dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM làm chủ đầu tư, đã xác định giá gói thầu trái quy định, gây thiệt hại 6,32 tỷ đồng.

Có 4 nhà thầu cung cấp một số loại trang thiết bị y tế thuộc các gói thầu do Sở Y tế TP.HCM làm chủ đầu tư với giá trúng thầu cao bất thường so với giá vốn nhập khẩu. Điển hình là mặt hàng máy X-Quang di động DR (hãng Philips - Hà Lan) do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ TNT trúng thầu có giá cao gấp 4,67 lần giá nhập khẩu, chênh lệch 18.999.530.000 đồng. Tại Gói thầu Mua sắm kit hóa chất dùng trong xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR do Bệnh viện Nhi đồng 1 làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông trúng thầu với giá cao gấp 2,59 lần so với giá vốn nhập khẩu, chênh lệch 6.696.444.000 đồng.

Tại Gói thầu Thuốc generic điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà (lần 1) do Bệnh viện Nhi đồng 1 làm chủ đầu tư, mặt hàng thuốc Xelostad 10mg, Bệnh viện mua 300.000 viên của Công ty CP Gonsa với giá 35.000 đồng/viên. Tuy nhiên, Công ty CP Gonsa mua lại thuốc của Công ty TNHH GSPHARM với đơn giá 21.000 đồng/viên. Thuốc do Công ty TNHH Liên doanh Stellpharm - Chi nhánh 1 sản xuất, Công ty TNHH GSPHARM chỉ là 1 đơn vị trung gian.

Tại Gói thầu Mua sắm 20.000 test xét nghiệm chống dịch do Bệnh viện Nhiệt đới làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Kiến Đức trúng thầu. Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương và Công ty TNHH DKSH Việt Nam bán cho Kiến Đức. Kết quả xác minh cho thấy, số tiền chênh lệch các sản phẩm lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho biết, đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đến Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định. Đối với các gói thầu có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan thanh tra sẽ chuyển toàn bộ thông tin để Bộ Công an xem xét, xử lý.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư