Tham vấn Quy hoạch tỉnh Hòa Bình, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều ngày 28/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo tham vấn đối với Quy hoạch tỉnh Hòa Bình, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Báo cáo tại Hội thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Thắng cho biết, mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 sẽ đưa Tỉnh đạt trình độ phát triển trung bình khá của cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là cơ sở, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh và đô thị xanh, gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh.

Hòa Bình lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh và hiệu quả với 4 trụ cột phát triển được khai thác một cách hiệu quả dựa trên phát huy tối đa các mối liên kết kinh tế với Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc. Việc thực hiện kịch bản này đòi hỏi quyết tâm lớn cũng như nguồn vốn đầu tư lớn hơn và phụ thuộc nhiều vào đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.

Từ xu thế phát triển của tỉnh Hòa Bình, việc đánh giá các yếu tố, điều kiện phát triển, cơ hội và thách thức trong thời kỳ quy hoạch tới cho thấy, Hòa Bình có khả năng thực hiện được các mục tiêu phát triển theo kịch bản này. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9%, các chỉ tiêu đặt ra trong văn kiện Đại hội lần thứ XXVII có thể đạt được, cơ cấu ngành chuyển dịch mạnh sang lợi thế công nghệ và dịch vụ, phát triển bảo đảm tính bền vững và hiệu quả.

Các nhiệm vụ trọng tâm giúp Hòa Bình hiện thực hóa mục tiêu của Quy hoạch gồm: tạo dựng và phát triển các ngành sản phẩm động lực (ngành quan trọng) cho tăng trưởng kinh tế của Tỉnh như ngành công nghiệp điện và sản xuất cơ khí, thiết bị điện, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và sản phẩm “ngôi nhà thứ hai” theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện; nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, sản phẩm thực phẩm sạch chất lượng cao.

Ngoài ra, tập trung phát triển vùng kinh tế động lực của Tỉnh dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn để các vùng này thực sự trở thành đầu tàu tăng trưởng, có vai trò lan tỏa đến các vùng khác của Tỉnh. Giải quyết tốt mối liên kết kinh tế vai trò là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc.

Đẩy mạnh và phát triển đồng bộ, phù hợp và phát huy có hiệu quả kinh tế số. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 47 quy hoạch tỉnh đã được lập xong, bao gồm: 1 quy hoạch đã được phê duyệt (Quy hoạch tỉnh Bắc Giang); 8 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Long An); 38 quy hoạch đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định (trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 15 quy hoạch tỉnh đã chuẩn bị các thủ tục thẩm định theo quy định). Các địa phương còn lại đang tích cực đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu thực hiện theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.

Chuyên đề