Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nhanh, mạnh và bền vững, hướng tới trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) chính là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa mục tiêu đó. Vì vậy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định thông điệp trên tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) 2020 diễn ra ngày 22/12/2020.

Chính phủ cam kết tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ cam kết tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều kỳ vọng từ doanh nghiệp

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển DN, các hiệp hội DN, nhóm công tác của VBF đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc, khuyến khích khởi nghiệp, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu cao hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước từ đầu năm đến nay trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng DN. Nhiều cơ hội mới đã được mở ra với DN. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở DN tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để phục hồi sau Covid-19 và tiếp tục phát triển nhanh, bứt phá.

Ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị các nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho DN phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN.

Đại diện các hiệp hội DN châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam… khuyến nghị tháo gỡ những vướng mắc hiện tại về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; chính sách thuế; thúc đẩy Chính phủ điện tử, thương mại điện tử; nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo; thúc đẩy dự án bền vững, tăng trưởng xanh...

Hoàn thiện chính sách phù hợp tình hình mới

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, để hỗ trợ cộng đồng DN trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, thực hiện nhất quán ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện cho tăng trưởng. Đồng thời, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khoá và các chính sách khác. Thúc đẩy cầu tiêu dùng và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Thứ hai, tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hạ tầng. Thực hiện tốt các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và đa phương, tận dụng cơ hội đầu tư quốc tế. Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với những thay đổi trong chính sách thương mại, đầu tư của các quốc gia khác. Thứ ba, tạo sức hấp dẫn của nền kinh tế để qua đó giúp DN mở rộng thị trường và thu hút đầu tư chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, thông lệ tốt của quốc tế, giải quyết nhiều vướng mắc mà DN gặp phải, giúp giải phóng, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách cải cách môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp tình hình mới.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư kỳ vọng các DN FDI đầu tư tại Việt Nam tăng cường vai trò, trách nhiệm trong đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và khu vực DN nhỏ và vừa nói riêng. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ về thu hút FDI giai đoạn tới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các DN FDI bên cạnh những hoạt động như Samsung đang làm là hỗ trợ DN Việt Nam nâng chuẩn đủ điều kiện tiếp cận chuỗi giá trị của DN FDI, thì có thể nghiên cứu xây dựng chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị. Về phần mình, Chính phủ cam kết tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp. Chủ trương này được thể hiện rõ trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới khi bổ sung 2 nội dung mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị con người Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, VBF 2020 được tổ chức vào thời điểm rất ý nghĩa khi Việt Nam sắp kết thúc một năm với vô vàn thách thức, khó khăn từ dịch bệnh, bão lũ, biến đổi khí hậu… nhưng vẫn đạt được mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa phục hồi tăng trưởng, với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến gần 3%. Thời điểm này cũng sắp kết thúc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị bước vào một thập kỷ mới với những tham vọng, mục tiêu phát triển cao trong 5 năm, 10 năm tới. VBF 2020 là cơ hội để Chính phủ lắng nghe nhiều hơn đóng góp của cộng đồng DN, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xác định nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung cho giai đoạn tới…

Chuyên đề