Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

(BĐT) - Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018). Dự luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước tiến mới trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến được đánh giá có khá nhiều điểm mới so với Luật Cạnh tranh hiện hành. Tờ trình Dự thảo Luật nhấn mạnh, xuất phát từ vị trí, vai trò của cạnh tranh trong phát triển kinh tế, Luật Cạnh tranh được sửa đổi, bổ sung để phục vụ cho mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ môi trường cạnh tranh, hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các DN; không bảo vệ lợi ích cho một hoặc nhóm DN cụ thể nào trên thị trường.

Hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Dự thảo Luật bổ sung các quy định điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh. Theo đó, điều chỉnh cách tiếp cận trong việc kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh, gồm thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Sự điều chỉnh này phù hợp với thực tiễn cạnh tranh trên thị trường và thông lệ quốc tế.

Dự thảo thể hiện tinh thần không tiếp cận kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh chỉ dựa vào tiêu chí thị phần như hiện nay, mà kiểm soát hành vi trên cơ sở bản chất, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của hành vi.

Dự thảo Luật cũng bổ sung hệ thống các tiêu chí đánh giá sức mạnh thị trường của DN một cách chính xác, toàn diện hơn; không chỉ dựa vào tiêu chí thị phần như hiện nay. Quy định cấm mặc nhiên đối với những hành vi thoả thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi thoả thuận ấn định giá, phân chia thị trường, kiểm soát sản lượng và thông đồng đấu thầu.

Đối với nhóm quy định về kiểm soát tập trung kinh tế, so với Luật Cạnh tranh 2004, Dự thảo Luật đã thay đổi cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của DN trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.

Tán thành với những nội dung cần sửa đổi, bổ sung nêu trên, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) cho rằng, những hạn chế của Luật Cạnh tranh hiện hành đã phần nào được khắc phục tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. Tại dự thảo luật này, nhiều nội dung có liên quan đến hoạt động cạnh tranh như kiểm soát tập trung kinh tế, việc lạm dụng vị trí độc quyền của các hành vi cạnh tranh đã được quy định. 

Hướng đến mục tiêu chống độc quyền

Luật Cạnh tranh một khi được ban hành như một khung khổ pháp lý chuyên biệt cần thực hiện được 2 nhiệm vụ, đó là chống độc quyền và giám sát các liên minh trong kinh doanh để bảo vệ cạnh tranh.
Bộ Công Thương cho biết, thực tiễn 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh cho thấy, các quy định về cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện tương đối hiệu quả, trung bình cơ quan quản lý điều tra, xử lý khoảng 40 vụ/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, cạnh tranh không bình đẳng vẫn luôn là câu chuyện khiến nhiều DN bức xúc.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, chính sách cạnh tranh quy định rõ các DN phải cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, nhưng thực tế cách làm của những người có liên quan lại chưa theo đúng tinh thần này. “Cạnh tranh lành mạnh chỉ có thể được tạo ra nếu những khoản chi phí không chính thức được loại bỏ”, ông Thành nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho rằng, việc khuyến khích cạnh tranh đồng nghĩa với việc chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh sai luật. Luật Cạnh tranh (sửa đổi) phải tạo lập được môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN; không dành ưu tiên, ưu đãi cho bất kỳ đối tượng nào. Đối với các biện pháp phòng vệ thương mại, cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với những cam kết quốc mà Việt Nam tham gia, nếu không sẽ khó xử lý được những vấn đề mới phát sinh.

Còn theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Luật Cạnh tranh một khi được ban hành như một khung khổ pháp lý chuyên biệt cần thực hiện được 2 nhiệm vụ, đó là chống độc quyền và giám sát các liên minh trong kinh doanh để bảo vệ cạnh tranh. Đối với nhiệm vụ chống độc quyền, cần lưu ý ngoài việc ngăn cấm các hành vi độc quyền hóa (tập trung kinh tế) một cách cố ý và chủ động nhằm hạn chế hoặc loại trừ cạnh tranh, phải kiểm soát chặt chẽ cả các DN trở thành độc quyền một cách tự nhiên do điều kiện khách quan hoặc các yếu tố ngẫu nhiên.

Đại diện cho khối DN, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội nêu quan điểm, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) phải được hoàn thiện theo hướng giúp DN trong thị trường cạnh tranh một cách bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng trong cạnh tranh giữa DN nhà nước và DN tư nhân.

Chuyên đề