Tăng tự quyết, tự chịu trách nhiệm trong mua thuốc bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đấu thầu dựa trên quan điểm nhận thức là vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước. Trong đó, về 5 nội dung sửa đổi liên quan tới Luật Đấu thầu, một số đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc, nhà thuốc bệnh viện và hạn mức chỉ định thầu.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị sửa quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện. Ảnh: Tiên Giang
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị sửa quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện. Ảnh: Tiên Giang

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu đã dành sự quan tâm tới quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện.

Dự thảo Luật đề xuất, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm cho phép chủ đầu tư được áp dụng nhiều lần đối với một hoặc các loại thuốc trong trường hợp mua sắm trực tiếp thuốc để bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở khám chữa bệnh.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu quan điểm, việc mua thuốc bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện có sử dụng nguồn thu hợp pháp hiện nay thuộc đối tượng áp dụng theo Điều 2 Luật Đấu thầu 2023. Tại Dự thảo Luật quy định việc áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần như trên có thể sẽ không tháo gỡ được khó khăn cho các cơ sở y tế, nhà thuốc bệnh viện.

Đại biểu này phân tích, mua sắm trực tiếp không phải là "áp giá", và trong quy định về đấu thầu cũng không có hình thức mua sắm nào là “áp giá”. Mua sắm trực tiếp thực chất là một hình thức lựa chọn nhà thầu, nên vẫn phải thực hiện các quy định, trình tự thủ tục của việc lựa chọn nhà thầu và các bước đấu thầu này không thể rút ngắn được. Trong khi đó, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế nên giá hàng hóa bán tại đây bao gồm cả chi phí tổ chức đấu thầu, các loại thuế, phí của cơ sở kinh doanh và người dân sẽ chịu chi phí này.

Do đó, đại biểu này đề nghị sửa khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu 2023 theo hướng, đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua hàng hóa để bán lẻ bao gồm cả mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập, thì cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, nhà thuốc bệnh viện do giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động. Quy định hiện nay buộc nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, từ đó xảy ra thực trạng các nhà thuốc bệnh viện thiếu nhiều loại thuốc, thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Trong khi đó, người nhà bệnh nhân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện vừa khó kiểm soát chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.

Đại biểu này đề nghị, nhà thuốc ở bệnh viện công lập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Quan tâm tới hạn mức chỉ định thầu được quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nêu, các nhóm đối tượng được quy định hạn mức chỉ định thầu chưa bao gồm nhóm đối tượng là các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư. Các dự án này cũng không thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư công. Điều này gây vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Thực tế, địa phương đang áp dụng hạn mức chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như đối với gói thầu thuộc dự án mua sắm hàng hóa, tức là áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi đối với các gói thầu có giá gói thầu trên 100 triệu đồng và áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu có giá gói thầu trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng…

Cách hiểu và làm như hiện nay, theo đại biểu Trần Văn Tuấn, chỉ mang tính vận dụng, đồng thời phát sinh thêm nhiều trình tự, thủ tục, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân, vì cơ bản các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thường có quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn… Ông Tuấn đề nghị nghiên cứu sửa đổi điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023 theo hướng, cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như đối với các dự án đầu tư công để đảm bảo căn cứ pháp lý, làm cơ sở thực hiện thống nhất trên cả nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân đối với các dự án này.

Giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng thuận cao với các ý kiến đề nghị cho phép cơ sở y tế được tự quyết định việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện trên tinh thần để các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Việc phát sinh các hành vi sai phạm, thông đồng, đẩy giá..., Bộ trưởng nhấn mạnh, đã có các quy định pháp luật khác điều chỉnh.

Đối với các ý kiến của đại biểu về nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu, nâng hạn mức gói thầu được chỉ định thầu, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp thu, nghiên cứu về hạn mức gói thầu được chỉ định thầu để đảm bảo tính ổn định, lâu dài trong thực thi pháp luật đấu thầu.

Chuyên đề