Tăng tính cạnh tranh tại các gói thầu vật tư điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dữ liệu thống kê của Báo Đấu thầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang là đơn vị có tổng số gói thầu thực hiện qua mạng lớn nhất cả nước. Quy mô các gói thầu cũng tăng lên không ngừng. Đặc biệt, tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu hàng năm của Tập đoàn luôn duy trì ở mức cao, trên 10%. Tuy vậy, công tác đấu thầu vật tư, thiết bị điện vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.
Nhiều gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư ngành điện thu hút sự tham gia của đông đảo nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư ngành điện thu hút sự tham gia của đông đảo nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Sức hút lớn

Đại diện EVN cho biết, nhằm bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu, thời gian qua, EVN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác đấu thầu.

Cụ thể, EVN đã rà soát, cập nhật hệ thống quy chế, quy định, quy trình nội bộ để làm cơ sở triển khai hoạt động mua sắm, đấu thầu phù hợp với các quy định pháp luật và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các đơn vị; tiếp tục sử dụng bộ tiêu chí cụ thể về đấu thầu trong hệ thống chấm điểm thi đua tối ưu hóa chi phí trong toàn EVN, đánh giá hàng năm đối với từng đơn vị và người đứng đầu đơn vị; liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn, hội nghị chuyên sâu về công tác đấu thầu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu… Do đó, điểm khác biệt giữa đấu thầu qua mạng trong ngành điện so với các ngành khác chính là quy định tại thời điểm mở thầu cần tối thiểu 3 nhà thầu tham gia.

Theo EVN, những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả vượt bậc cho cả hệ thống. Đó chính là sự tham gia đông đảo của các nhà thầu tại những gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư ngành điện. Có thể kể đến Gói thầu Mua van sự cố cơ (Accident valve) tổ máy H2 - Nhà máy Thủy điện Bắc Bình do Chi nhánh Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam - Nhà máy Thủy điện Bắc Bình làm bên mời thầu (BMT) đã thu hút 8 nhà thầu tham gia. Gói thầu số 39.MS.22 Cung cấp Nối bọc IPC các loại do Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TP.HCM - Công ty Điện lực Củ Chi làm BMT thu hút 7 nhà thầu tham gia, nhiều nhà thầu chào giá rất cạnh tranh. Công ty Điện lực Long Thành thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai mở thầu Gói thầu Mua sắm thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác sản xuất kinh doanh năm 2022 thu hút 5 nhà thầu tham gia. Gói thầu 30-22 SXKD-ĐTXD Cung cấp áp tô mát do Công ty Điện lực Đắk Lắk làm BMT thu hút 6 nhà thầu tham dự với giá dự thầu giảm so với giá gói thầu hơn 1 tỷ đồng…

Không chỉ mua sắm vật tư, thiết bị, các gói thầu xây lắp điện trong thời gian qua cũng nằm trong TOP về số nhà thầu quan tâm dự thầu. Đơn cử Gói thầu số 14 Xây lắp đường dây từ ĐĐ - G12 thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Bá Thiện và đường dây 220kV Việt Trì - Tam Dương - Bá Thiện đã thu hút 10 nhà thầu tham dự. Gói thầu có dự toán 98,987 tỷ đồng, Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) trúng thầu với giá dự thầu thấp nhất là 84,072 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ giảm giá 15,06%.

Tránh bẫy nâng khống giá và làm khó nhà thầu

Tuy vậy, công tác đấu thầu vật tư, thiết bị điện vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Sai phạm tại Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Thuận là một ví dụ về “khoảng tối” trong công tác đấu thầu. Theo đại diện cơ quan điều tra, trong vụ án này, chủ đầu tư và nhà thầu đã bắt tay nhau để nâng giá vật tư, thiết bị điện. Nhiều vật tư, thiết bị điện được nâng giá từ vài chục đến vài trăm phần trăm, có những sản phẩm bị nâng giá lên 300%.

Điểm khác biệt giữa đấu thầu qua mạng trong ngành điện so với các ngành khác chính là quy định tại thời điểm mở thầu cần tối thiểu 3 nhà thầu tham gia.

Thực tế, nhằm bảo đảm tính đồng bộ và chuẩn hóa vật tư thiết bị sử dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, các tổng công ty điện lực đã triển khai công tác đấu thầu mua sắm tập trung các loại vật tư, thiết bị có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn, cũng như vật tư, thiết bị chính.

Theo đó, hàng quý, EVN ra một thông báo giá để áp dụng thống nhất cho tất cả các đơn vị trực thuộc khi lập dự toán mua sắm tập trung. Thông báo giá được lập dựa trên tham khảo báo giá của ít nhất 3 nhà sản xuất, dự toán được lập theo báo giá thấp nhất. Tuy nhiên, với những gói thầu do đơn vị trực thuộc chủ động triển khai (với vật tư, thiết bị thông dụng, phổ biến), chưa thể kiểm soát được chặt chẽ khâu lập dự toán. Đây chính là lỗ hổng dẫn tới một số nhà thầu và chủ đầu tư ngầm móc ngoặc, đẩy giá, kê khống, dẫn tới thiệt hại cho ngành điện khi tổ chức mua sắm vật tư, thiết bị với giá cao.

Bên cạnh đó, nhiều gói thầu trong lĩnh vực điện đang bị nhà thầu phản ánh hồ sơ mời thầu đưa ra quá nhiều tiêu chí đánh giá liên quan đến các phiếu kiểm nghiệm thiết bị. “Tình trạng bên mời thầu yêu cầu quá nhiều phiếu kiểm nghiệm, đặc biệt là phiếu do các tổ chức quốc tế công nhận, đã gây khó khăn cho nhà thầu, đẩy giá trúng thầu lên cao. Đây là dạng “giấy phép con”, cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu trong lĩnh vực điện. Để thuận lợi cho cả phía nhà thầu và chủ đầu tư, ngành điện cần thống nhất về xác nhận giấy kiểm nghiệm thiết bị có tính chất tương đương khi đánh giá. Đồng thời, cần tránh việc đưa ra các thông số đặc thù của 1 hãng thiết bị, dẫn tới phát sinh kiến nghị phức tạp, kéo dài, làm giảm hiệu quả công tác đấu thầu”, một nhà thầu ngành điện tại TP.HCM cho biết.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư