Tăng mức thu BHXH, người dân, doanh nghiệp lo 'oằn lưng' nộp

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH vừa “hé lộ” về cách tính các khoản phụ cấp cộng vào lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2016 trước thời điểm giờ G ban hành thông tư hướng dẫn.
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội làm tăng gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Ngọc Châu
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội làm tăng gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: Ngọc Châu

Những phụ cấp nào được tính vào lương? 

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong tháng 12 này bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn tính BHXH theo cách mới từ 1/1/2016. Bà Nga tiết lộ, những khoản phụ cấp lương được tính vào lương để làm căn cứ đóng BHXH sẽ theo Thông tư 47/2015. Theo đó, các khoản phụ cấp tính vào lương: Phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt; phụ cấp mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đủ (như phụ cấp độc hại, chức vụ, thu hút…). 

Từ năm 2018, ngoài những khoản đã quy định trên, tiền lương tính BHXH sẽ được cộng thêm những khoản bổ sung, gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể, cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Bà Nga khẳng định, những khoản biến động và mục đích an sinh sẽ không được cộng vào lương để tính BHXH, như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại, điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ…

Theo bà Nga, không loại trừ doanh nghiệp (DN) có thể “lách” chi phí để giảm tiền đóng BHXH. Tuy nhiên, những việc này có thể được phát hiện qua thanh tra, đặc biệt từ năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ có thêm quyền thanh tra việc đóng bảo hiểm của DN. Ngoài ra, mức xử phạt với hành vi trốn, chiếm dụng, nợ BHXH cũng tăng nặng, thậm chí có thể bị khởi tố hình sự. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Cty CP may Nam Hà cho biết, những khoản phụ cấp kèm theo để tính lương rất khó xác định, đặc biệt những khoản đi theo năng suất và chất lượng sản phẩm, phải cuối tháng mới xác định được, các tháng cũng khác nhau”.

Ông Dũng ước tính, cùng với việc tăng lương tối thiểu vùng từ năm tới, cách tính BHXH mới sẽ khiến chi phí cho 2 khoản này của DN tăng khoảng 14%. Hiện công ty có hơn 600 lao động, hằng năm chi phí lương và bảo hiểm chiếm từ 55-65% doanh thu, trong đó chi phí cho BHXH khoảng 10 tỷ đồng/năm. Với việc tăng lương và thay đổi cách tính BHXH từ năm 2016, chi phí lương và bảo hiểm của DN sẽ chiếm khoảng 70% doanh thu hàng năm của DN, trong đó chi phí cho bảo hiểm sẽ hơn 11 tỷ đồng/năm. “Đây là thách thức lớn với DN, buộc chúng tôi phải có giải pháp tăng năng suất lao động”, ông Dũng nói. 

Bộ mong DN và người dân thông cảm 

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Nếu thông tư hướng dẫn về cách tính đóng BHXH từ năm 2016 không kịp ban hành để thực hiện ngay, việc thu BHXH theo cách tính mới vẫn được thực hiện. “Tuy nhiên, cơ sở thu sẽ là tạm tính, khi nào thông tư có hiệu lực sẽ tính lại. Nếu DN nộp thiếu sẽ thu thêm, còn thừa có thể chuyển qua phần nộp của tháng tiếp theo”, ông Huân nói. 

Ông Huân mong người dân và DN thông cảm, vì việc xây dựng thông tư gặp nhiều khó khăn. Do có rất nhiều loại phụ cấp với tên gọi khác nhau và phải lấy ý kiến nhiều bộ ngành, địa phương, DN. Ngoài ra, cơ sở tính đóng BHXH thay đổi, cùng với tăng lương tối thiểu vùng từ năm tới cũng khiến chi phí DN tăng lên, nên cần nghiên cứu hài hòa lợi ích giữa các bên. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, nhiều ý kiến nói cả người lao động và DN chưa mặn mà cũng không hẳn đúng. “BHXH là lo cho sau này, nhà nước luôn khuyến khích người dân khi còn sức lao động hãy tích góp 1 phần thu nhập, để sau này không còn sức lao động sẽ hưởng”, bà Chuyền nói. Theo bà Chuyền, việc thay đổi cách tính BHXH nhằm đảm bảo cân bằng giữa đóng và hưởng.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2011-2015, diễn ra ngày 25/12, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để giải quyết những vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động hiện nay như năng suất lao động, trình độ đào tạo, tình trạng sinh viên thất nghiệp... không thể là nỗ lực riêng lẻ của riêng ngành LĐ-TB&XH. Rất cần mỗi bộ ngành, địa phương làm hết sức để môi trường đầu tư thông thoáng nhất. “Muốn tăng năng suất lao động phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ, nhưng trước hết phải phát triển được DN”, Phó Thủ tướng nói. 

Theo Phó Thủ tướng, ngành LĐ-TB&XH cần rà soát toàn bộ hệ thống dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước. Từ đó, đánh giá, chuyển đổi theo hướng tự chủ, gắn kết với thị trường lao động thông qua DN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư