Tăng cường thanh tra doanh nghiệp bảo dưỡng đường bộ

(BĐT) - Mới đây, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương (BTĐB) đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc duy tu, bảo dưỡng ở các dự án BOT; xem xét các cầu yếu, cầu nhỏ hẹp, đường cong và ưu tiên xử lý các điểm đen tiềm ẩn mất an toàn giao thông; thanh tra các doanh nghiệp thực hiện duy tu, bảo dưỡng đường bộ...
Qua thanh tra, Tổng cục Đường bộ đã chấm dứt hợp đồng, cấm không cho đấu thầu và xử phạt một số nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi
Qua thanh tra, Tổng cục Đường bộ đã chấm dứt hợp đồng, cấm không cho đấu thầu và xử phạt một số nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi

Thiếu vốn, công tác bảo trì gặp nhiều khó khăn

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2017, các Cục Quản lý đường bộ, các Sở GTVT (được giao ủy thác quản lý quốc lộ) đã hoàn thành các khối lượng công việc liên quan đến bảo dưỡng thường xuyên theo kế hoạch được giao. Đến 31/12/2017 đã kết thúc hợp đồng đấu thầu bảo dưỡng 3 năm 2015 - 2017; Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) đã xây dựng, trình và được Bộ GTVT chấp thuận phương án đấu thầu thực hiện bảo dưỡng 3 năm 2018 - 2020. Đối với một số đoạn quốc lộ đang đầu tư xây dựng cơ bản hoặc mới đưa vào khai thác (chưa kịp đấu thầu) thì sẽ tiếp tục đấu thầu trong thời gian tới.

Riêng các đoạn quốc lộ giao cho nhà đầu tư BOT, việc quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên sẽ được thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký kết. Theo ông Minh, do nguồn kinh phí dành cho bảo dưỡng thường xuyên còn hạn hẹp, công tác bảo dưỡng thường xuyên thực sự gặp nhiều khó khăn (chỉ thực hiện các nhiệm vụ thật sự cấp thiết), chưa đáp ứng tốt nhất được mục tiêu ngăn chặn sự xuống cấp công trình (đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu). Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, các đơn vị được giao công tác bảo dưỡng thường xuyên đã hết sức cố gắng nhằm bảo đảm yêu cầu thiết yếu của công việc, duy trì bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐB cũng cho biết, hiện nay, hệ thống quốc lộ còn khoảng 7.678 km đã quá thời hạn khai thác nhưng chưa được sửa chữa định kỳ do nguồn vốn còn thiếu. 856 cầu xây dựng trước năm 1975 cần kiểm định sửa chữa, đánh giá lại năng lực chịu tải; khoảng 380 cầu yếu hoặc hẹp vẫn chưa được bảo trì, nâng cấp do không bố trí được nguồn vốn duy tu. Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành khai thác và giao thông vận tải trên các tuyến đường, và đây cũng là hạn chế nổi cộm của công tác quản lý bảo trì hiện nay. 

Xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm

Theo đại diện TCĐB, năm 2017, công tác quản lý chất lượng sửa chữa công trình đường bộ được triển khai chặt chẽ. TCĐB đã yêu cầu các chủ đầu tư thành lập các đoàn để kiểm tra chất lượng tại các dự án bảo trì, đồng thời trực tiếp kiểm tra tình hình thực hiện tại nhiều đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý nhiều dự án vi phạm chất lượng như yêu cầu thay vật liệu làm móng, mặt đường, thay kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn, bổ sung ca lu nóng, mặt đường… TCĐB cũng đã xử lý nghiêm các nhà thầu và tư vấn giám sát vi phạm bằng hình thức chấm dứt hợp đồng, cấm không cho đấu thầu và xử phạt theo quy định, có trường hợp giảm kinh phí bảo dưỡng thường xuyên và yêu cầu thực hiện lại.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, phải giữ đường cho thật tốt; cần đầu tư để duy tu bảo dưỡng có hiệu quả ngay tức khắc. Do vậy, các đơn vị cần tập trung nguồn vốn để bảo trì, bảo dưỡng hệ thống đường. Ông Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu, các đơn vị liên quan cần tăng cường, kiểm tra, kiểm soát việc duy tu, bảo dưỡng ở các dự án BOT; đẩy mạnh thanh tra các doanh nghiệp thực hiện duy tu, bảo dưỡng đường bộ; khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ thực hiện hợp đồng với Dự án VRAMP về Hợp phần D2 để hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý, điều hành hoạt động Quỹ BTĐB.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thể cũng giao TCĐB trong quý I/2018 phải đưa ra đề xuất cơ chế vận hành việc quản lý, vận hành liên quan đến bảo trì đường bộ; trong tháng 3, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phải có báo cáo Đề án về công tác đảm bảo duy tu sửa chữa thường xuyên cho hệ thống đường quốc lộ.

Chuyên đề