Tăng cơ hội cho hàng Việt, tạo động lực phát triển doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 2/11/2023, tại TP.HCM, Cục Quản lý đấu thầu phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Đây được xem là hội thảo cuối cùng để lấy ý kiến hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ ban hành trong vài tuần tới.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần minh bạch, hiệu quả cho hoạt động đấu thầu, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần minh bạch, hiệu quả cho hoạt động đấu thầu, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp là trung tâm của các thay đổi chính sách

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu là một nghị định rất quan trọng, có tác động rất lớn đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực từ xây dựng, thiết bị, dược, dịch vụ… đều quan tâm đến các nội dung mới, điều chỉnh mà Nghị định sắp ban hành.

“Luật Đấu thầu được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là rất tiến bộ, đặt doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới. Do đó, nghị định này là rường cột để làm cơ sở triển khai, thực thi. Nội dung của Nghị định được chúng tôi đánh giá là đồ sộ, dày dặn và cần lấy ý kiến của chính các doanh nghiệp để hoàn thiện những nội dung cần sửa đổi”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Hoàng Cương - đại diện Cục Quản lý đấu thầu, bố cục của dự thảo Nghị định gồm 12 chương với 126 điều. Tinh thần của việc xây dựng dự thảo Nghị định sẽ kế thừa, bổ sung các quy định đang thực hiện hiệu quả, ổn định từ Nghị định 63. “Tinh thần lớn nhất của dự thảo Nghị định là cố gắng đơn giản hóa quy trình đấu thầu, tăng cường đấu thầu qua mạng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp dự thầu. Đấu thầu một cửa với việc liên thông với hệ thống quản lý thuế, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, quản lý ngân sách và kho bạc, hệ thống ngân hàng sẽ giúp tối ưu hóa các giải pháp cho nhà thầu và chủ đầu tư trong toàn bộ các khâu từ dự thầu, đánh giá, ký kết cũng như thanh toán hợp đồng”, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết.

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu ngày 2/11/2023

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu ngày 2/11/2023

Rất nhiều nội dung mới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đã được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định như việc xây dựng cơ sở dữ liệu của nhà thầu (uy tín thông qua việc tham dự thầu, qua việc thực hiện hợp đồng, đánh giá chất lượng hàng hóa đã qua sử dụng). “Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đi đầu trong việc tổ chức đánh giá hàng hóa qua đấu thầu, từ đó đưa ra các đánh giá uy tín nhà thầu rất khách quan, chính xác”, ông Hoàng Cương chia sẻ.

Bên cạnh đó, các quy định liên quan như ưu đãi hàng hóa trong nước, mua sắm bền vững, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được xây dựng bằng thước đo cụ thể để tạo cơ sở đánh giá nhà thầu, thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo cơ hội cạnh tranh cho nhà thầu Việt. Đồng thời, cụ thể hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Nghị định sẽ có nội dung quy định về công khai thông tin việc thực hiện hợp đồng theo tiêu chí công khai, minh bạch tối đa. Đây là công cụ hữu ích để đánh giá uy tín của nhà thầu, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng. Từ đó, giúp các chủ đầu tư có nhiều kênh tham khảo về năng lực, chất lượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của các nhà thầu hiệu quả nhất.

Tường minh hóa các ưu đãi cho doanh nghiệp

Nhiều ý kiến tại Hội thảo đánh giá cao những nội dung mới của dự thảo Nghị định. Do đây là các nội dung sẽ điều chỉnh nhiều trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần tường minh, có thang tiêu chí cụ thể để thuận lợi cho các bên liên quan.

Theo ông Trần Đại Nghĩa - Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam, việc xác định gói thầu nào là gói thầu bền vững được dựa trên các nguyên tắc tại Khoản 1 Điều 2, khi thực hiện đấu thầu bền vững sẽ có những ưu đãi. Tuy nhiên, trong dự thảo hiện nay khá chung chung, ví dụ yếu tố phòng chống ô nhiễm môi trường chưa nêu rõ là áp dụng quy định nào để xác định, như vậy việc xác định các yếu tố này có áp dụng Luật Bảo vệ môi trường hay không? Hay các yếu tố khác như bình đẳng giới, sức khỏe, phúc lợi xã hội..., những vấn đề này có một số đã có quy định pháp luật rõ, một số khác thì chưa hoặc chỉ là khái niệm học thuật, điều này sẽ làm các cơ quan thực hiện lúng túng, vì vậy nên làm rõ trong Nghị định hoặc dẫn chiếu đến quy định cụ thể khác hoặc bổ sung thông tư hướng dẫn.

Các quy định như ưu đãi hàng hóa trong nước, mua sắm bền vững sẽ được xây dựng bằng thước đo cụ thể để tạo cơ sở đánh giá nhà thầu, thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo cơ hội cạnh tranh cho nhà thầu Việt. Ảnh: Lê Tiên

Các quy định như ưu đãi hàng hóa trong nước, mua sắm bền vững sẽ được xây dựng bằng thước đo cụ thể để tạo cơ sở đánh giá nhà thầu, thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo cơ hội cạnh tranh cho nhà thầu Việt. Ảnh: Lê Tiên

Về nội dung ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước, theo ông Nghĩa, hiện quy định pháp luật về sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sáng tạo chưa rõ ràng, một số ít được quy định trong Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Do đó, dự thảo Nghị định nên mạnh dạn làm rõ hoặc để là điều khoản “mở” để các bên mời thầu chủ động khi xây dựng tiêu chí của hồ sơ mời thầu, nếu không thì chính sách ưu đãi này có nhưng đưa vào cuộc sống thì khó khăn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Quỳnh Lan - Công ty CP Giá xây dựng cho rằng, thực trạng có không ít doanh nghiệp lạm dụng tem, nhãn Made in Vietnam dù tỷ trọng sản xuất nội địa là rất thấp. Có thể thấy, việc xác định xuất xứ hàng hoá là một cụm từ đa nghĩa, bởi quá trình sản xuất hàng hoá bao gồm nhiều quá trình nhỏ lẻ. Định mức các công đoạn sản xuất của các nhà thầu là khác nhau, giá cả nguyên vật liệu đầu vào khác nhau, nhà thầu chỉ cần điều chỉnh định mức là sẽ dễ dàng vượt 30%, 50% dù thực tế không phải như vậy. Tại thời điểm dự thầu, nhiều hàng hoá chưa được sản xuất. Việc chứng minh tỷ lệ hàng hóa có tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước dưới 50% và trên 50% (để được hưởng ưu đãi các mức khác nhau) chỉ mang tính chất tương đối. Do đó, cần phải quy định cụ thể thời điểm, các giấy tờ cần thiết chứng minh chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa phải từ 30% trở lên. Trường hợp nhà thầu chứng minh được tỷ lệ nội địa hoá đáp ứng để hưởng ưu đãi thì nhà thầu phải cam kết khi sản xuất hàng hoá phải sử dụng đúng các loại nguyên vật liệu và định mức. Trường hợp có sự sai khác có thể xem là gian lận và bị xử lý vi phạm.

Đồng thuận với các ý kiến trên, TSKH. Trần Quang Thắng - Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho biết, dự thảo Nghị định nên cụ thể hóa các ưu đãi đối với nhà thầu, làm rõ các nội hàm, thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi dễ thực hiện trong quá trình tham gia đấu thầu, giúp chủ đầu tư hiện thực hóa các quy định về ưu đãi trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, các tiêu chí đánh giá và giá trị quy đổi của ưu đãi sẽ rõ ràng hơn, và nhà thầu/doanh nghiệp/đối tượng hưởng ưu đãi cũng chủ động hơn và biết rõ những quyền lợi mà mình được hưởng khi tham gia đấu thầu. Đồng thời, bên mời thầu căn cứ vào tài liệu nhà thầu cung cấp để đánh giá mức độ được hưởng ưu đãi của nhà thầu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Thị Thúy Hằng, các ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo lắng nghe để sớm hoàn thiện Nghị định trong thời gian sớm nhất. Dự thảo Nghị định sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần minh bạch, hiệu quả cho hoạt động đấu thầu, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh.

Chuyên đề