92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Ảnh: Nhã Chi |
Tiến độ giải quyết còn chậm
Theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước Quốc hội, trong năm 2017, nhiều vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng, đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Số vụ, số bị can bị khởi tố điều tra về hành vi tham nhũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 với 220 vụ, tăng 20,88% và 479 bị can, tăng 28,07%.
Đánh giá về kết quả phòng chống tội phạm, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong năm 2017, một số loại tội phạm đã được kiềm chế, nhiều vụ vi phạm pháp luật và tội phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, tội phạm về chức vụ, tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng chú ý, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng tăng. Số lượng hồ sơ Tòa án trả cho Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) yêu cầu điều tra bổ sung vẫn nhiều gấp hơn 2 lần so với số vụ VKSND trả hồ sơ cho cơ quan điều tra yêu cầu điều tra bổ sung.
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tỷ lệ hồ sơ tòa án trả đúng, được VKSND chấp nhận cao (93,8%) cho thấy chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra của VKSND còn hạn chế.
Được biết, trong số 114 vụ án do VKSND tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, sau đó phân công cho VKSND địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm có 45 vụ bị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong đó, phần lớn là các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng (tổng cộng có 32/45 vụ, chiếm 71,1%).
Thu hồi tài sản còn thấp
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết đối với các án tham nhũng thì vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề được dư luận người dân cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những vấn đề trọng tâm, mục tiêu chính trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.
Báo cáo về công tác thi hành án của Chính phủ cũng cho thấy, số tiền của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam là gần 32.000 tỷ đồng, song hiện nay mới chỉ thi hành được 2.795 tỷ đồng, tương đương 8,75%.
Việc thu hồi tài sản của một số vụ tham nhũng lớn còn thấp hơn rất nhiều. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) thông tin về trường hợp vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Vinashin số tiền là 989,2 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả thi hành án. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7/2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào.
Trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines, Dương Trí Dũng phải bồi thường cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng và lãi trả chậm. Tuy nhiên, đến nay mới thi hành được trên 21 tỷ đồng.
Thống kê từ báo cáo trước Quốc hội cho thấy, qua công tác thanh tra thì tỷ lệ thu hồi tài sản là 54%, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, tỷ lệ thu hồi giảm xuống còn 25,8%, qua công tác thi hành án thì tỷ lệ thu hồi chỉ còn 19,1%.
Trên cơ sở thống kê này, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho rằng, trong giai đoạn thanh tra, đa số đối tượng vi phạm đều mong muốn nộp lại tiền, tài sản để được coi là khắc phục hậu quả và từ đó hy vọng được xử lý bằng biện pháp hành chính mà không bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự. Vì vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thông qua công tác thanh tra cao nhất.
Đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, do thời gian tiến hành tố tụng kéo dài nên một số đối tượng đã có thời gian kịp tẩu tán tài sản. Ngược lại, một số đối tượng vi phạm thường tìm cách trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Mặc dù tài sản thu hồi ở giai đoạn này không cao như giai đoạn thanh tra nhưng vẫn thu hồi được ở tỷ lệ nhất định.
Khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, những người vi phạm đã phải chịu các hình phạt, trong đó có hình thức cải tạo giam giữ thì đa số trường hợp sẽ cố tình chây ì, tìm cách tẩu tán tài sản nên tỷ lệ thu hồi tài sản thấp nhất.
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Mai Thị Phương Hoa từng nhấn mạnh, đấu tranh với tội phạm tham nhũng cần phải thu hồi được tài sản thì mới coi là triệt để. Đại biểu Hoa cho rằng, cần chú trọng thu hồi ngay từ giai đoạn đầu, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đối với bị can, bị cáo và thân nhân của họ trong việc trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngay từ giai đoạn đầu không chỉ chú trọng đến vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự, mà còn phải quan tâm đến việc áp dụng pháp luật để làm sao thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng.