Công ty TNHH Du lịch Thu Hà đã ký hợp đồng tín dụng trả góp mua xe ô tô với ngân hàng và dùng chính chiếc xe làm tài sản thế chấp. Ảnh: Tường Lâm |
Chiếm đoạt tiền từ việc mua xe trả góp
Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng X. Bị cáo Trần Minh Hải (sinh năm 1982, ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) đã bị tuyên phạt mức án 15 năm tù về tội danh trên.
Cụ thể, theo cáo trạng, năm 2007, Trần Minh Hải thành lập Công ty TNHH Du lịch Thu Hà (Công ty Thu Hà), gồm 3 thành viên. Từ tháng 12/2008 - 1/2010, Công ty Thu Hà ký 9 hợp đồng tín dụng trả góp với Ngân hàng vay 2,8 tỷ đồng mua 15 xe ô tô. Công ty sử dụng chính các ô tô này để thế chấp đảm bảo cho khoản vay trên.
Sau khi mua xe, Công ty Thu Hà đã đăng quảng cáo trên internet, rao bán xe ô tô trả góp. Toàn bộ 15 xe ô tô nói trên đã bị Trần Minh Hải bán hết. Đến ngày 16/4/2010, khi Ngân hàng quyết định thu giữ các xe nói trên để thu hồi nợ thì các xe đã được bán hết. Quá trình xử lý công nợ, Ngân hàng chỉ thu hồi được 3 xe. Số xe còn lại đã bán trao tay, việc thu hồi khó khăn.
Khi thế chấp xe, giấy tờ đã được Công ty Thu Hà giao cho Ngân hàng theo đúng thủ tục. Vì thế, khi bán trả góp cho khách hàng, Công ty Thu Hà chỉ giao bản photo giấy tờ xe và hẹn khi nào trả hết nợ sẽ bàn giao giấy tờ gốc. Nhưng khi khách hàng đã thanh toán hết tiền thì Trần Minh Hải không trả nợ Ngân hàng để lấy bản gốc giấy tờ mà chiếm đoạt tiền.
Đơn cử, Công ty Thu Hà ký hợp đồng tín dụng trả góp mua xe ô tô Daewoo Gentra với số tiền 160 triệu đồng, thời gian vay 36 tháng, lãi suất 12,7% và dùng chính chiếc xe làm tài sản thế chấp. Sau khi vay tiền mua xe, Trần Minh Hải đã bán trả góp chiếc xe cho anh Vũ Hữu Tình. Anh Tình đã trả góp gần hết số tiền. Lúc này Hải đề nghị anh Tình giao xe để Hải cho Ngân hàng kiểm tra sau đó Hải sẽ đưa lại xe cho anh Tình. Tuy nhiên, anh Tình không đưa lại xe cho Hải mà bán trao tay cho người khác lấy tiền chi tiêu cá nhân.
Sau khi Ngân hàng có đơn đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc xử lý Trần Minh Hải, quá trình làm rõ vụ việc, cơ quan điều tra đã ra thông báo truy tìm vật chứng đối với chiếc xe nói trên nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được.
Rủi ro trong thu hồi công nợ
Quá trình tìm hiểu vụ tai nạn phát hiện chiếc xe nói trên đã được bán trao tay cho 6 người. Người cuối cùng đã mua chiếc xe với giá 200 triệu đồng, giấy tờ đăng ký xe mang tên Công ty Thu Hà. Đến khi xảy ra tai nạn, được cơ quan công an thông báo, người này mới biết chiếc xe là tang vật cho vụ án nói trên. Lần theo các lời khai, cơ quan công an đã xác định được các đời chủ xe nhưng không xác định được ai đã làm giả giấy tờ đăng ký xe. Người cuối cùng mua xe yêu cầu bồi thường số tiền mua xe.
Ngân hàng X xác định đến tháng 2/2017, với hợp đồng tín dụng nói trên, Trần Minh Hải còn dư nợ gốc 97 triệu đồng, 143 triệu đồng nợ lãi và 109 triệu đồng nợ quá hạn. Chiếc xe sẽ được bán đấu giá để thu hồi nợ.
Đây chỉ là 1 trường hợp trong số 15 xe ô tô mà Ngân hàng đã nhận làm tài sản bảo đảm. Do phần lớn ô tô được bán trao tay cho nhiều người nên việc thu giữ tang vật, xử lý công nợ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, Hải còn thực hiện hành vi ký hợp đồng thuê xe ô tô Chevrolet, xe BMW, xe Mitsubishi của ba cá nhân rồi đem thế chấp vay số tiền 1,4 tỷ đồng. Tổng cộng bị cáo chiếm đoạt tiền của Ngân hàng và 3 cá nhân trên tổng số tiền 3,3 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã thu giữ các xe ô tô trả cho Ngân hàng để thu hồi công nợ. Các cá nhân mua xe ô tô đã thỏa thuận với Hải để trả tiền cho Ngân hàng nhằm giải chấp, lấy lại giấy tờ gốc xe ô tô. Tính đến ngày 7/2/2017, Ngân hàng yêu cầu Hải phải thanh toán số tiền 2,7 tỷ đồng; gồm 540 triệu đồng nợ gốc; 1,2 tỷ đồng tiền lãi và 976 triệu đồng tiền phạt chậm trả.
Loại tài sản bảo đảm có thể “chạy lông nhông” trên đường này khiến các ngân hàng gặp rủi ro khi thu hồi nợ. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp khách hàng vay tiền mua ô tô, dùng tài sản này để thế chấp cho khoản vay nhưng khi có xe lập tức đem bán cho cá nhân khác.