Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, việc xây dựng Luật bảo đảm thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTNN; phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công…
Tổng KTNN cho biết, Dự thảo Luật có nhiều nội dung bổ sung, sửa đổi như làm rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán; quy định đầy đủ đơn vị được kiểm toán bảo đảm mọi nguồn lực tài chính công và tài sản công theo quy định của Hiến pháp đều được KTNN thực hiện kiểm toán. Đồng thời phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công…
Thẩm tra dự thảo Luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Luật KTNN năm 2015 mới ban hành được 3 năm, mặc dù có bộc lộ một số bất cập nhưng về cơ bản các quy định của Luật vẫn còn phù hợp với thực tiễn, phần lớn các vướng mắc không thực sự đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trong 18 nội dung mà KTNN đưa ra thì chỉ có 5 nội dung Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với dự thảo Luật; 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban không đồng tình vì chưa thực sự cần thiết, không đảm bảo công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành. Hơn nữa, nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung chưa nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành liên quan. Do vậy, đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo Luật theo hướng chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động để tránh chồng chéo với cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đối với những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành, nếu phát sinh vướng mắc thì đề xuất sửa đổi, bổ sung luật có liên quan, không thể hiện các nội dung này trong Luật KTNN để tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung các nội dung nhằm hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước, tuy nhiên, các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung mà KTNN trình lần này lại chưa có sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Do vậy, KTNN cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật này.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc ban hành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực kiểm toán cũng như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW là cần thiết. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần nghiên cứu, rà soát lại các nội dung đề xuất sửa đổi bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, cũng như thực tiễn 3 năm thực hiện Luật KTNN năm 2015; tránh tối đa sự trùng lắp, đảm bảo không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nghiên cứu thật kỹ để chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết.