Sửa Luật Giao thông đường bộ: Chồng chéo và có nhiều “giấy phép con”

(BĐT) - Dự thảo Luật Giao thông đường bộ mặc dù đã được Bộ Giao thông vận tải tổ chức lấy ý kiến nhiều lần, tuy nhiên đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) và hiệp hội vẫn cho rằng còn nhiều quy định chồng chéo và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải làm gia tăng gánh nặng cho DN.
Việc gia tăng điều kiện và các loại giấy phép con đối với ngành nghề kinh doanh vận tải được cho là gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Việc gia tăng điều kiện và các loại giấy phép con đối với ngành nghề kinh doanh vận tải được cho là gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

Chồng chéo với quy định pháp luật khác

Mặc dù nhiều nội dung đã được pháp luật khác quy định rõ ràng, nhưng Dự thảo Luật vẫn nhắc lại, tạo nên sự chồng chéo, gia tăng các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho DN trong quá trình thực thi.

Chẳng hạn như Khoản 1 Điều 81 Dự thảo Luật quy định bến xe, trạm đón trả khách, bãi đỗ xe, trạm nghỉ được đầu tư xây dựng tại các vị trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định này được hiểu là khi đầu tư xây dựng công trình, thì chủ đầu tư phải xin giấy phép chấp thuận vị trí xây dựng. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, các công trình này phải xin giấy phép xây dựng. Trong quá trình cấp phép xây dựng, cơ quan quản lý xem xét về tính phù hợp của địa điểm công trình xây dựng với quy hoạch đã được phê duyệt. Vì vậy, quy định phải xin phép như Dự thảo Luật dẫn đến sự chồng lấn, thiếu thống nhất với pháp luật về xây dựng và làm tăng thủ tục không cần thiết. Hơn nữa, quy định này chưa rõ ràng về trình tự thủ tục, cơ quan cấp phép, tiêu chí cấp phép. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo nên sửa quy định trên theo hướng bến xe, trạm đón trả khách, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ được đầu tư xây dựng tại các vị trí phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật.

Một ví dụ khác là tại Khoản 3 đến Khoản 6 Điều 87 Dự thảo Luật có quy định chung cho các hình thức đầu tư (trong đó có đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP). Liên quan tới đầu tư PPP, theo nhận định của VCCI, các quy định này có nhiều khả năng chồng lấn với quy định tại Luật Đầu tư PPP đang được Quốc hội xem xét. Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, đại diện VCCI đề nghị tách các hình thức đầu tư thành 2 nhóm riêng biệt. Trong đó, nhóm PPP dẫn chiếu các nội dung liên quan sang pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP; nhóm còn lại áp dụng các quy định từ Khoản 3 đến Khoản 6 Điều 87. 

Kiến nghị xóa bỏ nhiều “giấy phép con”

Đối với các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Dự thảo Luật vẫn giữ cách tiếp cận “cứng” (chỉ có 3 hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô: xe buýt, taxi và theo hợp đồng) là bất cập. VCCI cho rằng, điều này gây khó khăn trong việc tiếp nhận và mở rộng các hình thức kinh doanh vận tải mới; khó khăn trong việc phân loại các dịch vụ vận tải hành khách đang có và chưa phù hợp với cách phân chia theo thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, so với các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hiện hành, các điều kiện tại Dự thảo Luật được thiết kế theo hướng khắt khe hơn. Theo đó, để được kinh doanh vận tải, DN phải có đến 4 loại giấy phép, gồm: 1 loại giấy phép mẹ (giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô) và 3 loại giấy phép con (chứng chỉ hành nghề lái xe vận tải; chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải; chứng chỉ quản lý an toàn giao thông). Trong khi đó, theo Luật hiện hành, DN chỉ cần “giấy phép mẹ” là có thể hoạt động kinh doanh. Hay là việc yêu cầu “số lượng lái xe kinh doanh vận tải phù hợp với phương án kinh doanh” cũng không cần thiết và can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa Khoản 3 Điều 118 theo hướng bỏ điều kiện về số lượng lái xe, chỉ giữ lại điều kiện về hợp đồng lao động bằng văn bản (hợp đồng nguyên tắc)...

Việc gia tăng điều kiện và các loại giấy phép con đối với ngành nghề kinh doanh này, theo ý kiến của nhiều DN và hiệp hội, Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ và hết sức thận trọng. Nhất là việc nâng yêu cầu phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP lên Luật trong khi chưa được áp dụng, chưa đánh giá được hiệu quả và tác động của quy định cũng như đang vấp phải nhiều vướng mắc như chưa được giải quyết từ góc độ pháp lý đối với việc sử dụng thông tin thu được từ camera và quyền bảo mật thông tin kinh doanh của DN, quyền riêng tư của khách hàng (quyền hình ảnh, lịch sử đi lại...).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh - chuyên gia giao thông vận tải (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) cho rằng, Nhà nước chỉ nên khuyến cáo DN lắp camera, chứ không nên bắt buộc vì chi phí đầu tư rất lớn, tạo thêm gánh nặng cho DN. Cần đặt lại mục tiêu xây dựng Luật, trước tiên phải phục vụ DN, sau đó mới phục vụ mục tiêu quản lý của Nhà nước.

Chuyên đề