Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Từ những vụ việc có “hy hữu”?
Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 diễn ra vào chiều tối ngày 2/6, báo giới đã đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề chất lượng và trách nhiệm của các bên liên quan trong những vụ việc liên tiếp xảy ra tại các công trình điện thời gian gần đây. Trả lời câu hỏi, Bộ Công Thương đánh giá như thế nào về vụ việc và trách nhiệm của chủ đầu tư trong vụ việc nhà thầu cho đất vào bê tông khi thi công cột điện 220 kV ở Nam Định, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Nhà thầu có thể bị cấm tham gia xây dựng các công trình điện nếu phát hiện vi phạm”.
Thông tin về vụ việc, ông Hải cho biết: “Đây là dự án do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc là đơn vị quản lý. Thi công công trình là Liên danh nhà thầu Công ty CP Sông Đà 11 và Công ty CP Xây lắp điện 1. Đơn vị thi công trực tiếp phần móng cốt là Chi nhánh 7 Công ty CP Sông Đà 11. Khi Công ty CP Sông Đà đang thi công đã có văn bản thông báo tạm dừng thi công của Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay thuộc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam do tuyến đường dây đi qua đài dẫn, yêu cầu cần phải dịch chuyển để bảo đảm an toàn cho tuyến trên. Tuy nhiên, Công ty CP Sông đà 11 vẫn tự ý thi công”.
Trước vụ việc này, ngay trong ngày 1/6, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra quy trình quản lý chất lượng công trình của công trình này và làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể liên quan theo quy định của pháp luật. Bộ Công Thương yêu cầu EVN làm rõ động cơ của nhà thầu tự ý thi công mặc dù đã có văn bản và biên bản hiện trường yêu cầu tạm dừng thi công”.
Trong một thông cáo phát đi ngày 2/6, Công ty CP Sông Đà 11 cũng thừa nhận sai, kèm theo những cam kết “sắt đá” về việc khắc phục hậu quả.
Đã điều tra, sao chưa công bố nguyên nhân?
Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi cột điện thuộc Dự án đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa do Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) là đơn vị thi công đến nay vẫn chưa có câu trả lời về nguyên nhân xảy ra sự cố. Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ nguyên nhân vụ việc và xác định trách nhiệm của các bên. Theo nguồn tin của Đấu thầu, ngày 25/5, Bộ Công Thương họp với các đơn vị thuộc Bộ và bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Xây dựng, để đưa ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, không có bất cứ thông tin nào về nguyên nhân cột điện đổ được đưa ra sau cuộc họp này.
Tuy nhiên, trả lời của đại diện Bộ Công Thương dường như chưa giải đáp được hết những băn khoăn của báo chí, vì câu chuyện trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình này đều là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đang rất được dư luận quan tâm hiện nay thì không được ông Hải đề cập.
Đạo đức nghề nghiệp đang ở đâu?
Khẳng định vị thế trong lĩnh vực xây lắp điện, đại diện Công ty CP Sông Đà 11 từng giới thiệu: “Đơn vị là doanh nghiệp hàng đầu trong khối xây lắp của Tổng công ty Sông Đà về lĩnh vực xây lắp đường dây và trạm điện. Hơn 10 năm qua, Công ty đã dần tạo dựng được thế đứng vững vàng với việc tham gia thi công nhiều gói thầu quan trọng của ngành điện lực. Qua đó, Công ty CP Sông Đà 11 đã trở thành một thương hiệu vững mạnh, có uy tín và được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực chuyên ngành điện”.
“Một nhà thầu có uy tín, có thương hiệu tại sao lại để ra xảy ra việc Đội xây lắp của mình tự ý thi công mà không được sự đồng ý của chủ đầu tư và không có giám sát của Ban chỉ huy công trường?. Đây là sự biện minh khó tin!” – một chuyên gia đấu thầu nêu vấn đề.
Cũng từ vụ việc này, trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu thuộc Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng: “Vấn đề lớn nhất trong câu chuyện ngành điện liên tiếp xảy ra những sự cố công trình là con người”. Theo vị chuyên gia này, hiện nay, quy định pháp luật về chất lượng công trình xây dựng khá chặt chẽ, rõ ràng, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng con người thực thi không nghiêm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình. Nếu nhà thầu không giữ được đạo đức trong nghề nghiệp, thì câu chuyện đổ cột điện bất thường trong điều kiện thời tiết bình thường, hay rút ruột công trình… vẫn còn liên tục xảy ra và hậu quả sẽ rất khó lường.
Thẳng thắn nhìn nhận câu chuyện đạo đức nghề nghiệp của nhà thầu trong câu chuyện này, một chuyên gia đấu thầu khác nhận định: “Những nhà thầu thi công các công trình nêu trên chắc chắn phải có năng lực, có uy tín thì mới có thể trúng thầu vì đây là những công trình lớn của ngành điện. Tuy nhiên, có thể trong quá trình thực hiện công trình, nhà thầu đó chạy theo lợi ích riêng mà làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cũng không ngoại trừ khả năng là lâu nay họ vẫn luôn làm như thế, do đó chỉ khi nào bị phát hiện hoặc có những sự cố chúng ta mới biết được chất lượng thật của công trình”.
Từ thực trạng đang diễn ra, vị chuyên gia này đề xuất, trong thời gian tới, vấn đề nâng cao chất lượng, cũng như đạo đức của đội ngũ cán bộ quản lý, thi công công trình cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong trường hợp cần thiết phải có sự giám sát để đảm bảo hiệu quả.
Nhắc lại sự cần thiết trong vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng nhấn mạnh: “Đấu thầu là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi người thực hiện phải có năng lực, trình độ và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp”.