Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM: Phó thanh tra kiện Giám đốc Sở

Một “cựu” phó chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã khởi kiện giám đốc sở này ra tòa, yêu cầu hủy bỏ quyết định buộc thôi việc đối với ông.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa trao đổi về việc khiếu nại - Ảnh: Ái Nhân
Ông Nguyễn Văn Nghĩa trao đổi về việc khiếu nại - Ảnh: Ái Nhân

Với lý do không đề xuất xử phạt gây thất thoát hơn 4 tỉ đồng, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Văn Nghĩa - phó chánh thanh tra sở. 

Sau các lần khiếu nại bị Sở LĐ-TB&XH bác yêu cầu, ông Nghĩa đã khởi kiện giám đốc sở ra TAND TP.HCM. Vụ án hành chính đã được tòa thụ lý giải quyết. 

“Không phải mình tôi sai” 

Theo đơn kiện, ông Nghĩa yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định về kỷ luật buộc thôi việc đối với ông. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc khẳng định ông Nghĩa đã thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm hành chính công tác thanh tra, cố ý không xử phạt nhiều trường hợp, tự ý phê duyệt không xử phạt vượt thẩm quyền... 

Các hành vi vi phạm trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thu hơn 4 tỉ đồng. 

Năm 2014 ông Nghĩa được phân công phụ trách bộ phận thanh tra chính sách lao động. Sở kiểm tra ngẫu nhiên 37 trong tổng số 573 hồ sơ không xử phạt từ năm 2014 đến tháng 5-2015 do ông Nghĩa phụ trách, thấy 35 hồ sơ vi phạm pháp luật lao động nhưng không xử phạt. 

Ông Nghĩa khẳng định ông không hiểu và cũng không được sở cho biết cách tính như thế nào để quy kết ông làm thất thoát hơn 4 tỉ đồng. Ông Nghĩa phân tích: thanh tra sở chia làm sáu bộ phận thanh tra việc thực hiện Bộ luật lao động. 

Năm 2014, sáu bộ phận ra khoảng 117 quyết định xử phạt. Bộ phận của ông Nghĩa phụ trách xử phạt 16 trường hợp. Như vậy tất cả có 117 quyết định xử phạt/1.253 kết luận thanh tra, cộng với hơn 2.200 trường hợp phạt khác mới ra số tiền phạt hơn 4,8 tỉ đồng. 

“Thế thì chỉ với bộ phận thanh tra của tôi, cơ sở đâu cho rằng tôi gây thất thoát hơn 4 tỉ đồng?” - ông Nghĩa nói. 

Ông Nghĩa thừa nhận nếu so với quy định pháp luật liên quan đến thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính thì ông có sai trong quy trình xử lý kết luận thanh tra, xử lý vi phạm. 

“Nhưng cái sai đó không phải chỉ mình tôi, ai cũng thực hiện theo quy trình thanh tra có tính thông lệ từ năm 2007 đến nay” - ông Nghĩa nói. 

Thanh tra theo thông lệ? 

Ông Nghĩa cho biết những năm trước đây tình hình kinh tế trong nước nói chung và TP.HCM nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải đình đốn sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, công nhân thiếu việc làm, đình công, lãn công nhiều. 

Lúc đó (năm 2007) tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo sở là thanh tra nhằm hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật. Việc lập biên bản vi phạm hành chính để đề nghị doanh nghiệp khắc phục, hết sức cân nhắc trong việc xử phạt, định kỳ có kiểm tra lại. 

Từ đó, những năm qua gần như 100% cán bộ thanh tra sở thực hiện theo đúng quan điểm như vậy. 

Trong thực tế, nếu căng theo luật mà phạt toàn bộ lỗi vi phạm dễ dẫn đến đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp, gây đình trệ hoạt động sản xuất, đời sống công nhân... Từ đặc thù khó khăn, nhạy cảm trong thanh tra xử lý vi phạm doanh nghiệp nên thanh tra sở xử lý uyển chuyển như vậy. 

“Tôi đã xử lý hoàn toàn khách quan, không tiêu cực...” - ông Nghĩa nói.

* Ông Trần Trung Dũng (giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM): 

Không trù dập ông Nguyễn Văn Nghĩa 

Việc xử lý kỷ luật là khách quan, căn cứ các vi phạm của ông Nguyễn Văn Nghĩa và được báo cáo đầy đủ cho các cấp lãnh đạo có liên quan. 

Là công chức thanh tra sở, khi thi hành công vụ phải đúng quy định Luật thanh tra, Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định liên quan chứ không thể nói là làm theo thông lệ. 

Nếu có ai thực hiện nhiệm vụ thanh tra giống ông Nghĩa, có vi phạm thì sở cũng sẽ xử lý theo đúng quy định chứ không phải trù dập mình ông Nghĩa. 

Về thất thu hơn 4 tỉ đồng, nếu ông Nghĩa xử phạt với các hồ sơ mà sở đã kiểm tra thì số tiền phạt chỉ tính ở mức phạt thấp nhất đã hơn 4 tỉ đồng. 

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như thế là đủ để chuyển cơ quan điều tra. Tuy nhiên chúng tôi muốn xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức trước.

Theo vụ kiện đến cùng 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho rằng ông có sai so với quy định pháp luật, nhưng đó là cái sai do thực hiện theo thông lệ chung của thanh tra sở. 

Ông Nghĩa nói: “Việc cho rằng tôi gây thất thoát đến hơn 4 tỉ đồng là quy chụp. Nhiều trường hợp khác cũng kết luận không xử phạt như tôi có thể gây thất thu mà sở không xử lý. 

Việc kiểm tra, quy kết thất thu, buộc thôi việc tôi là do có thiên kiến đối với tôi. Tôi sẽ đeo đuổi vụ kiện đến cùng để đòi công bằng...”. 

Chuyên đề