Sàn vàng Khải Thái: Giám đốc chỉ biết ký

(BĐT) - Sáng 21/8, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án sàn vàng ảo Khải Thái lừa đảo chiếm đoạt tài sản do bị cáo Hsu Minh Jung (tức Saga, sinh năm 1975, quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu cùng 6 bị cáo khác.
Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái đã quảng bá về các hoạt động kinh doanh vàng tài khoản để tạo niềm tin cho khách hàng, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Ảnh: Tường Lâm
Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái đã quảng bá về các hoạt động kinh doanh vàng tài khoản để tạo niềm tin cho khách hàng, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Ảnh: Tường Lâm

Giám đốc không có bàn làm việc

Bằng hình thức lừa đảo huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư, Saga cùng các đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt của 717 khách hàng với tổng số tiền còn chiếm đoạt là 264 tỷ đồng. Với số lượng bị hại quá lớn, việc kiểm tra căn cước của những người được triệu tập tới phiên tòa đã chiếm trọn nửa ngày làm việc. Vào buổi chiều, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố cáo trạng và sau đó, Hội đồng xét xử bắt đầu thẩm vấn.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái khai rằng mọi việc đều do Saga chỉ đạo, họ không nắm được tình hình kinh doanh của Công ty. Trả lời tại Tòa án, bị cáo Nguyễn Mạnh Linh (SN 1987) nguyên là Giám đốc Công ty khai vào làm việc từ tháng 12/2012 và chỉ phụ trách ký giấy tờ bao gồm hợp đồng, phiếu thu, phiếu chi, các giấy tờ. Còn lại các hoạt động khác đều không biết, khi có việc thì nhân viên gọi điện thoại, bị cáo đến trụ sở Công ty ký giấy tờ. Bị cáo không có bàn làm việc.

“Trách nhiệm của Giám đốc là gì, bị cáo không biết”, bị cáo Linh trả lời.

Lương khởi điểm của bị cáo Linh là 8 triệu đồng/tháng, sau do công việc nhiều lên nên được tăng thêm. Về việc Công ty Khải Thái, do Linh làm Giám đốc, đã lừa đảo hơn 260 tỷ đồng của 717 người, bị cáo Linh giải thích do bị cáo nghĩ Saga là người nước ngoài điều hành kinh doanh thực tế nhưng không tiện làm các thủ tục giấy tờ nên bị cáo làm Giám đốc trên danh nghĩa, ký các giấy tờ.

Bị cáo Đoàn Thị Luyến (SN 1987), nguyên là Giám đốc phụ trách Chi nhánh Chamvit - Công ty Khải Thái khai không biết Công ty có thực sự hoạt động đầu tư vàng, khách sạn, ô tô, bất động sản ngoại hối như đã quảng cáo. Các báo cáo tổng kết năm thì Saga yêu cầu báo cáo thành tích, không nắm rõ hoạt động của Công ty ra sao. Đối với số lượng tiền Chi nhánh Chamvit đã huy động được, bị cáo khai không biết vì các trưởng phòng kinh doanh do Saga phụ trách trực tiếp, bị cáo không biết, không có thẩm quyền.

Bị cáo Luyến khai, trong số 85 hợp đồng do bị cáo tư vấn cho 13 người thì chỉ có 2 - 3 khách là của bị cáo, còn lại đều là khách của Công ty, bị cáo chỉ việc ký hợp đồng. Cho đến nay, mọi hợp đồng do bị cáo phụ trách đều được thanh lý xong.

Đáng chú ý, quá trình làm việc, bị cáo Luyến có nghi ngờ tính hợp pháp các hoạt động của Công ty và đã nhờ luật sư tư vấn, xác định hoạt động của Khải Thái chưa được cấp phép. Dù vậy, bị cáo vẫn tiếp tục làm việc vì nhiều lý do cá nhân. Tại Tòa, Luyến giải trình do Saga nói sắp tới chuyển sang kinh doanh bất động sản nên bị cáo chờ để chuyển sang làm việc ở mảng bất động sản.

Theo tài liệu sổ sách, trong 3 năm làm việc tại Khải Thái, bị cáo Luyến được nhận lương từ 3,5 triệu đồng đến 130 triệu đồng/tháng. Mức thưởng cao nhất là 184 triệu đồng. Tổng cộng bị cáo đã hưởng 2,9 tỷ đồng lương, thưởng. 

Huy động vốn trái phép

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái khai rằng mọi việc đều do Saga chỉ đạo, họ không nắm được tình hình kinh doanh của Công ty.
Theo cáo buộc, tháng 11/2011, Saga thành lập Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái, vốn điều lệ 20 tỷ đồng với 3 chi nhánh gồm 18 phòng kinh doanh, khoảng 200 nhân viên. Từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2012, Công ty cung cấp dịch vụ vàng ảo nhưng không mang lại hiệu quả. Do đó, Saga đã đưa ra loại hình kinh doanh mới là huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư, trả lãi suất cao từ 3- 3,5%/tháng, kỳ hạn từ 3 - 12 tháng.

Để khách hàng tin tưởng, Công ty Khải Thái quảng bá về các hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tại Hồng Kông, Quảng Châu, kinh doanh ngoại hối, bất động sản, khách sạn, ô tô...; mở hội thảo đưa khách hàng sang Đài Loan, Hồng Kông, Quảng Châu (Trung Quốc) để tham quan giới thiệu. Nhân viên Công ty còn giới thiệu Công ty ký quỹ tại ngân hàng 2,5 triệu USD để đảm bảo thanh khoản cho khách hàng.

Bằng phương thức trên, trong vòng 2 năm (tháng 12/2012 đến tháng 9/2014), Công ty Khải Thái thu của 1.586 khách hàng số tiền 501 tỷ đồng. Trong đó, hơn 10 tỷ đồng của khách hàng đầu tư tài khoản kinh doanh vàng ảo và hơn 490 tỷ đồng là ủy thác đầu tư. Công ty đã trả cho khách hàng gần 178 tỷ đồng, còn lại 323 tỷ đồng.

Từ khi vụ việc bị phát giác chỉ có 717 bị hại đến trình báo. Do đó, cơ quan điều tra chỉ xác định được số tiền ủy thác là 280 tỷ đồng. Những người này đã được nhận lãi 17,5 tỷ đồng, số tiền Công ty còn chiếm đoạt là 264 tỷ đồng.

Để giữ chân nhân viên, Saga áp dụng cơ chế trả lương thưởng cho giám đốc, quản lý chi nhánh, trưởng phòng, nhân viên kinh doanh rất cao gồm nhiều khoản như tiền thưởng mở tài khoản mới, cơ chế tích lũy, thưởng lương cứng, thưởng nóng điện thoại Iphone 5S, Samsung… Mặc dù biết rõ hoạt động ủy thác chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng các nhân viên được Saga thuê vẫn làm việc và nhận lương “khủng”.

Chuyên đề