Samsung sẽ xây dựng “đại bản doanh” tại Hà Nội

Samsung đang muốn biến Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội, vốn đầu tư 300 triệu USD, trở thành một “đại bản doanh” của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á.
Hà Nội sẽ là nơi đặt “đại bản doanh” của Samsung tại khu vực Đông Nam Á
Hà Nội sẽ là nơi đặt “đại bản doanh” của Samsung tại khu vực Đông Nam Á

Trung tâm R&D này dự kiến được phát triển với tổng diện tích xây dựng hơn 116.000 m2, cao 21 tầng, 2 tầng hầm và sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2020, thu hút khoảng 4.000 nhân viên.

“Sau khi Dự án đi vào hoạt động, toàn bộ các hoạt động R&D của Samsung tại Việt Nam sẽ chuyển hết về đây. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, khoảng 20-25% diện tích của tòa nhà sẽ được xin phép để sử dụng làm văn phòng cho Samsung Điện tử nói riêng, thậm chí cả các công ty trực thuộc Tập đoàn Samsung đang hoạt động tại Việt Nam nói chung”, vị này nói và cho biết, vì có tầm quan trọng như vậy nên Samsung sẽ xây dựng tòa nhà đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Hàn Quốc để biến nơi đây thành “đại bản doanh” của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, Samsung đang phải thuê tới 7 tầng lầu của tòa nhà PVI (Trần Thái Tông, Hà Nội) để dành cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển phần mềm Samsung Việt Nam (SVMC).

Tòa nhà mới được xây dựng, SVMC sẽ có “nhà mới”. Không những thế, các hoạt động R&D hiện đang được thực hiện tại hai nhà máy SEV và SEVT ở Bắc Ninh và Thái Nguyên cũng được chuyển về đây, quy về một mối, biến Việt Nam thực sự trở thành một trong những trung tâm R&D lớn của Samsung trên toàn cầu.

Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực, càng khẳng định sự coi trọng của Samsung đối với thị trường Việt Nam. Họ thực sự đang đầu tư nghiêm túc và lâu dài tại thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, Samsung đã lên kế hoạch xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội từ lâu. “Phải là ở Hà Nội vì ở đó mới có nhiều nhân sự giỏi, mà người giỏi thì không muốn đi xa”, một lãnh đạo của Samsung đã khẳng định với Báo Đầu tư như vậy ngay từ thời điểm cách đây 2-3 năm, khi Samsung bắt đầu đề xuất kế hoạch xin đất của UBND TP. Hà Nội để xây dựng trung tâm này.

Khi đó, Hà Nội cũng đã đề xuất Samsung xây dựng Trung tâm R&D ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, song vì lo khó tuyển nhân sự, Samsung đã từ chối. Thực tế hiện nay, các trung tâm R&D lớn trên thế giới cũng đều đặt tại trung tâm các thành phố lớn, bởi đấy là điều kiện đầu tiên để thu hút người tài.

Sau đó, kế hoạch được chuyển sang huyện Đông Anh và nay, đã chính thức “quyết” ở quận Hoàng Mai, để thuận tiện cho hoạt động của Trung tâm R&D, thậm chí trong trường hợp cần thiết là việc thiết lập “đại bản doanh” của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam.

Không phải xây nhà máy sản xuất, nên không nhất thiết, Samsung phải đặt Trung tâm R&D tại các khu công nghệ cao, cũng như các khu công nghiệp hiện có.

Thực tế, để thực hiện cam kết về R&D để được hưởng ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao, từ năm 2012, Samsung đã phát triển SVMC. Từ đó tới nay, trung tâm này đã tham gia thực hiện khoảng 360 dự án, trong đó có 40 giải pháp toàn cầu cùng tham gia với các nước, số còn lại là các dự án phần mềm thương mại hóa do các kỹ sư của SVMC làm chủ. Nhiều ứng dụng nổi tiếng như Spen, Smart Swith, Smart School… có đóng góp rất lớn của các kỹ sư SVMC.

Hiện, SVMC có khoảng 1.600 kỹ sư đang làm việc và theo kế hoạch, sẽ đạt 2.800 người vào năm 2018. Ngoài ra, còn một số lượng không nhỏ các kỹ sư và kỹ thuật viên đang tham gia công tác R&D tại hai nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Nghĩa là trên thực tế, Samsung đã và đang thực hiện tốt cam kết đối với Chính phủ Việt Nam về R&D để được hưởng ưu đãi doanh nghiệp công nghệ cao. Có thể tiếp tục đi thuê địa điểm, song Samsung đã quyết định đầu tư lớn cho trung tâm này và điều đó càng chứng tỏ, họ thực sự có kế hoạch biến Việt Nam không chỉ trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình, mà còn là một trung tâm R&D lớn trên toàn cầu.

“Đây là một hoạt động đầu tư rất đáng khích lệ và nên dành ưu đãi đầu tư cho các dự án quy mô lớn, và nhất lại là trong lĩnh vực R&D như thế này”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói với Báo Đầu tư như vậy.

Trao đổi với Báo Đầu tư, GS. Nguyễn Mại cũng cho biết, gần đây có nhiều quan điểm phiến diện khi nhìn nhận về vai trò và đóng góp của khu vực FDI.

“Tôi chỉ muốn hỏi ngược lại, Việt Nam mất gì khi thu hút đầu tư của Canon, của Microsoft, của Samsung…? Chúng ra chỉ mất ít đất để họ xây dựng dự án, nhưng cũng đã thu được tiền cho thuê đất rồi. Phải tính xem trên 1 ha đất cho thuê ấy, chúng ta được cái gì? Chỉ nói riêng về giải quyết lao động, một dự án Samsung giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động, cái này quan trọng lắm, sao các chuyên gia lại thường quên mất. Ở các nước khác họ rất coi trọng việc làm, vì sau việc làm là cuộc sống của gia đình họ, là cơ hội phát triển các ngành dịch vụ khác trong xã hội, đấy chính là tác động lan tỏa của các dự án này. Ông Obama rất tự hào vì mấy năm nay tỷ lệ thất nghiệp xuống cơ mà”, GS. Nguyễn Mại nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư