Bên cạnh ngành nghề truyền thống là sản xuất dây cáp, SAM Holdings còn đầu tư vào bất động sản, tài chính, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp. Ảnh: Minh Khuê |
Loay hoay tăng vốn
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra vào cuối tháng 3/2019, SAM Holdings đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu thành 2 đợt. Đợt 1 phát hành hơn 7,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 3%, nguồn vốn được sử dụng để phát hành thêm từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018. Đợt 2 phát hành hơn 93,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành được xây dựng trên cơ sở xem xét giá trị sổ sách 1 cổ phiếu SAM tại thời điểm 31/12/2018 và giá đóng cửa ngày 14/3/2019 của cổ phiếu SAM tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) là 7.500 đồng/CP. Tuy nhiên, mức giá phát hành tối thiểu lại là 10.000 đồng/CP.
Đây là đợt phát hành đáng chú ý không chỉ bởi quy mô hơn 1.000 tỷ đồng mà còn bởi giá phát hành tối thiểu 10.000 đồng/CP, cao hơn 2.500 đồng so với thị giá. Vì vậy, các cổ đông hiện tại của SAM Holdings, thay vì tham gia chương trình phát hành thêm cổ phiếu của Công ty, có thể tìm mua cổ phiếu trên sàn với mức giá dễ chịu hơn.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, SAM Holdings cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy vậy, kế hoạch đã không thể thực hiện được và phải lùi sang năm 2019. Không khó để nhận ra, giá cổ phiếu SAM vẫn loanh quanh dưới mệnh giá trong suốt cả năm 2018, đây là một trong nguyên nhân cản trở kế hoạch tăng vốn của Công ty.
Bên cạnh đó là áp lực pha loãng cổ phần. Nếu đợt phát hành trên thành công, số lượng cổ phần lưu hành sẽ tăng thêm 44,7%, trong khi đó, lợi nhuận ròng của Công ty năm 2018 lại giảm 9,1%.
Lợi nhuận ròng giảm 70% trong quý I/2019
Trong khi kết quả bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu trong năm 2019 phụ thuộc rất lớn vào triển vọng kinh doanh thì báo cáo mới nhất của SAM Holdings lại cho thấy lợi nhuận quý I/2019 thiếu tích cực.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 519,5 tỷ đồng, tăng 19,5% so với quý I/2018. Tương ứng, lợi nhuận gộp cũng tăng 19%, từ 43,7 tỷ đồng lên 52,3 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu hoạt động tài chính chỉ đạt 20,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2018 con số này lên tới gần 122 tỷ đồng nhờ kinh doanh cổ phiếu DXG. Do chênh lệch giữa doanh thu tài chính và chi phí hoạt động tài chính quý I/2019 khiến hoạt động này của SAM Holdings âm 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2018 là dương gần 43 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính không khả quan cũng chính là nguyên nhân dẫn đến lãi ròng quý I/2019 của SAM Holdings giảm 70% so với cùng kỳ 2018, chỉ đạt 12,9 tỷ đồng.
Mặc dù được biết đến là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng dây cáp, cáp điện và điện tử khác, thiết bị viễn thông… với hơn 30 năm trong ngành nhưng từ năm 2017, SAM Holdings đã định hướng là công ty chuyên đầu tư tài chính, với mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 20 - 30% từ năm 2017. Vì vậy, kết quả hoạt động tài chính quý I/2019 cho thấy triển vọng không mấy tích cực của SAM Holdings.
Với kết quả kinh doanh kém tích cực, giá cổ phiếu SAM hiện vẫn đang được giao dịch dưới mệnh giá, sẽ là những yếu tố cản trở kế hoạch tham vọng tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng của SAM Holdings trong năm 2019.