Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Saigonbank năm 2017 là 281,6 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm trước. Ảnh: St |
Tuy nhiên, ngân hàng này đã kết thúc năm 2017 với kết quả kinh doanh khiến nhà đầu tư thất vọng.
Chỉ hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017 của Saigonbank cho biết, hầu hết lợi nhuận từ các mảng kinh doanh đều tăng trưởng so với năm 2016. Cụ thể, thu nhập lãi thuần năm 2017 đạt 656,6 tỷ đồng (tăng 4%); lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 38 tỷ đồng (tăng 12%); lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 18,3 tỷ đồng, gần như không đổi so với năm 2016; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 40,5 tỷ đồng (giảm 18%). Trong khi đó, chi phí hoạt động của ngân hàng này là 402 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2016. Điều này đã giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 352,7 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2016.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng hơn 100%, từ 136 tỷ đồng lên 281,6 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 của Saigonbank chỉ đạt 71 tỷ đồng, bằng 41% so với con số 174 tỷ đồng đạt được trong năm 2016 và hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (270 tỷ đồng) mà ĐHĐCĐ giao phó.
Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank ở mức 2,97%. Điều đáng nói là nợ có khả năng mất vốn (tỷ lệ trích lập dự phòng là 100%) tăng từ mức 238,8 tỷ đồng lên 317,8 tỷ đồng (33%); nợ nghi ngờ (tỷ lệ trích lập dự phòng là 50%) tăng từ 28,3 tỷ đồng lên gần 77 tỷ đồng (tăng 172%); nợ dưới tiêu chuẩn (tỷ lệ trích lập dự phòng là 20%) giảm từ 62,6 tỷ đồng xuống còn 25,5 tỷ đồng (giảm 60%).
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank trong giai đoạn 2015 - 2017 cũng có dấu hiệu tăng nhanh. Cụ thể, nợ xấu từ mức 1,88% trong năm 2015 đã tăng lên 2,63% trong năm 2016 và năm 2017 là 2,97%. Nếu tính cả nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý được thì tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank cuối năm 2017 là 7%.
Rủi ro tín dụng rình rập
Về bản chất, không chỉ riêng Saigonbank, lợi nhuận ngành ngân hàng lâu nay vẫn phụ thuộc vào tín dụng, kể cả các ông lớn như VietinBank (mảng tín dụng đóng góp 83% cho năm 2017), BIDV (mảng tín dụng đóng góp 79,37% cho năm 2017)... Tuy nhiên, các ngân hàng này có nhiều dư địa hơn trong việc nâng cao doanh thu từ hoạt động phi tín dụng (dịch vụ).
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của Saigonbank đạt hơn 21.319 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ, đạt 14.849 tỷ đồng. Cho vay khách hàng ghi nhận hơn 13.988 tỷ đồng, tăng hơn 12%.
Trước đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Saigonbank đạt 218% so với năm 2015. Đây cũng là một năm đánh dấu sự trở lại của ngân hàng này sau một thời gian sụt giảm lợi nhuận trước thuế từ mức 871 tỷ đồng năm 2010 xuống còn 55 tỷ đồng vào năm 2015, do trích lập dự phòng nợ xấu hàng trăm tỷ đồng.