Sai phạm về đấu thầu tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Kết luận chỉ ra đã có sai phạm trong công tác đấu thầu tại Dự án này và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ Dự án, phát sinh chi phí.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nhiều năm vẫn chưa hoàn thành (ảnh: Internet)
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nhiều năm vẫn chưa hoàn thành (ảnh: Internet)

Theo kết luận thanh tra, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư; Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Ban đầu (tháng 7/2010), Dự án có tổng mức đầu tư 31.505,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 2 lần điều điều chỉnh (năm 2011 và 2016), tổng mức Dự án lên tới 41.799,1 tỷ đồng. Hiện Dự án này vẫn chưa hoàn thành và là một trong số 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương.

Đối với sai phạm trong việc chỉ định thầu đối với gói thầu EPC Dự án, kết luận thanh tra chỉ ra, mặc dù chưa xác định được các điều kiện được chỉ định thầu đối với gói thầu EPC Dự án theo quy định của pháp luật, nhưng PVN đã đề xuất Bộ Công Thương đồng ý, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủy quyền cho Hội đồng quản trị PVN quyết định việc chỉ định thầu. Hơn nữa, PVN chưa xác định các điều kiện được chỉ định thầu đối với gói thầu EPC, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, song ngày 18/6/2010, Hội đồng quản trị PVN đã ban nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC Dự án theo hình thức chỉ định thầu. Ngày 21/2/2011, Hội đồng thành viên PVN phê duyệt kế hoạch đấu thầu Dự án, trong đó, gói thầu EPC có thời gian thực hiện là 45 tháng. Ngày 6/10/2011, Tổng giám đốc PVN ban hành quyết định chỉ định PVC làm tổng thầu EPC Dự án. “Thời gian thực hiện Gói thầu 45 tháng là không đúng quy định của pháp luật về đấu thầu”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Theo cơ quan thanh tra, Điểm e Khoản 3 Điều 40 Nghị định 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện được chỉ định thầu gói thầu là gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng không quá 18 tháng.

Về vấn đề năng lực nhà thầu, kết luận nêu rõ: “Việc chỉ định PVC làm tổng thầu EPC Dự án là không đúng quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và Điểm e Khoản 3 Điều 40 Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ”. Cụ thể, đến thời điểm được chỉ định thầu, PVC chỉ thực hiện xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng thiết yếu, tuyến ống dẫn khí… và thi công một số hạng mục của một số nhà máy nhiệt điện, chưa làm tổng thầu EPC các dự án lớn tương tự như Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, hồ sơ năng lực của PVC chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu EPC, nhưng PVN vẫn chỉ định PVC làm tổng thầu EPC. Sau khi ký kết hợp đồng Tổng thầu EPC, PVC đã thực hiện không đúng cam kết là một trong những nguyên nhân dẫn đến Dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng chi phí, trong đó có chi phí trả tiền lãi vay từ năm 2016 đến năm 2019 là 81,867 triệu USD.

“Trách nhiệm thuộc PVN, PVC, Bộ Công Thương, các cơ quan và cá nhân tham gia trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và quyết định chỉ định PVC là tổng thầu Dự án”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Cũng tại kết luận thanh tra này, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra một loạt những sai phạm khác trong việc thông qua chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư Dự án; thẩm định, quyết định điều chỉnh Dự án; điều chỉnh giá hợp đồng EPC Dự án sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2…

Với những vi phạm như trên, để khắc phục, tránh lãng phí tiền vốn của Nhà nước đầu tư vào Dự án này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về việc xử lý vướng mắc liên quan đến Dự án nhằm sớm đưa Dự án vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân có những vi phạm, khuyết điểm nêu tại kết luận thanh tra. Đồng thời, cơ quan thanh tra cũng chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trên./.

Chuyên đề