Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đó là quan điểm nhận được nhiều đồng thuận của các nhà quản lý, chuyên gia tại Hội thảo Đổi mới thể chế trong cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam vừa được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCIF cho biết, dịch vụ công là những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người và xã hội, tập trung vào nhu cầu khoa học, hành chính, pháp luật và nhất là về y tế và giáo dục…
Những dịch vụ này rất quan trọng và trước đây thường do Nhà nước bao cấp, tổ chức thực hiện. Nhưng do nguồn lực có hạn, trong khi nhu cầu thực tế lại gia tăng mạnh mẽ và đa dạng hơn nên rất cần có những mô hình mới, đủ sức đáp ứng, cung cấp các dịch vụ cụ thể đến người dân.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã có sự thay đổi từng bước về quan điểm, quy định về đối tượng cung cấp dịch vụ công theo hướng cởi mở, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đến nay, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế thông tin, hiện có 4 chủ thể cung ứng trong hệ thống y tế Việt Nam, đó là cơ sở y tế công lập, cơ sở y tế tư nhân, mô hình hợp tác công - tư và mô hình thuê khoán tư nhân làm dịch vụ. Để đổi mới thể chế trong cung ứng dịch vụ y tế, ông Quang cho rằng, Nhà nước chỉ giữ vai trò chính trong hệ thống y tế dự phòng. Còn đối với hệ thống khám, chữa bệnh, Nhà nước giữ và củng cố hệ thống y tế tuyến huyện, xã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Nhà nước đảm nhận bệnh viện điều trị bệnh chuyên khoa mà tư nhân không đầu tư; Nhà nước bảo đảm đầu tư bệnh viện kỹ thuật cao mang tính chất dẫn dắt, chỉ đạo tuyến.
Bà Mai Thị Thu cho rằng, đây là diễn biến tất yếu, cho phép huy động các nguồn lực khác cũng như giảm thiểu gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Xa hơn, cần tiến tới cơ chế đặt hàng, đấu thầu trong cung ứng dịch vụ.