Rắc rối xử lý vật chứng trong tranh chấp dân sự

Tài sản, vật chứng kê biên trong vụ án hình sự nhiều khi nằm trong tình trạng pháp lý phức tạp. Đặc biệt là khi bản thân các bên trong vụ án phát sinh nhiều quan hệ pháp luật chồng chéo trên chính tài sản đó.
Tài sản, vật chứng kê biên nhiều khi nằm trong tình trạng pháp lý phức tạp
Tài sản, vật chứng kê biên nhiều khi nằm trong tình trạng pháp lý phức tạp

Theo luật, khi có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì việc giải quyết được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Thiên Thanh) cho rằng, việc thu hồi vật chứng là tài sản có giá trị lớn hay những tài sản do phạm tội mà có để bảo đảm thi hành án thường được ẩn giấu dưới nhiều dạng khác nhau.

Tài sản, vật chứng kê biên nhiều khi nằm trong tình trạng pháp lý phức tạp. Bản thân các bên trong vụ án gồm bị hại, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan phát sinh rất nhiều quan hệ pháp luật chồng chéo trên tài sản đó.

Một vụ án hình sự vừa được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử về phần dân sự là một ví dụ điển hình về việc chưa thống nhất, giải quyết “tiền hậu bất nhất” dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Theo đó, án phạt đã có hiệu lực 3 năm nay nhưng hậu vụ án nữ giám đốc Nguyễn Thị Dinh (SN 1962, ở quận Hà Đông, TP. Hà Nội) lừa bán nhà, chiếm đoạt hơn 8,7 tỷ đồng vẫn nhùng nhằng về phần xử lý vật chứng.

Bị án Dinh từng là giám đốc Công ty cổ phần Thế Dinh. Lợi dụng chức vụ giám đốc, Nguyễn Thị Dinh đã có hành vi chuyển nhượng 3 căn nhà cho nhiều người. Vụ việc bị phát giác khi cả 4 bị hại đều giao tiền nhưng không nhận được nhà như hợp đồng ký kết.

Cụ thể, vào đầu năm 2008, mặc dù không có trong tay căn nhà trên phố Trần Nhật Duật (quận Hà Đông, Hà Nội) nhưng Nguyễn Thị Dinh vẫn đặt bút ký hợp đồng bán nhà cho anh Nguyễn Minh Mẫn. Vì tin tưởng, người mua nhanh chóng chuyển tiền mà không biết thời điểm đó, chủ đích thực của căn nhà là người khác. Quá trình điều tra thể hiện, phải đến giữa năm đó, Nguyễn Thị Dinh mới mua căn nhà trên.

Dù cam kết với anh Mẫn nhưng ngay sau khi mua nhà, Dinh lập tức chào bán cho anh Đào Đăng Cường để lấy 600 triệu đồng. Thủ đoạn này tiếp tục được nữ giám đốc “sao chép” với 2 căn nhà khác trên đường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội). Cùng vào thời điểm trên, Dinh cùng chồng lập hợp đồng bán nhà số 674 đường Quang Trung cho chị Bùi Thị Minh Lý với giá 2,9 tỷ đồng.

Lấy lý do sổ đỏ căn nhà đang thế chấp ở ngân hàng, Dinh thỏa thuận để khách hàng cầm tạm sổ đỏ của một căn nhà khác để làm tin. Khi cầm tiền đặt cọc 1,3 tỷ đồng, Dinh đã “tỉ tê” để xin lại quyển sổ đỏ trên. Sau đó, Nguyễn Thị Dinh không làm thủ tục chuyển nhượng nhà cho người mua mà tiếp tục bán cho người khác.

Chưa dừng lại, nữ giám đốc “cao tay” còn sang tên căn nhà trên cho người thứ 3 là anh Nguyễn Như Long với giá 2,2 tỷ đồng. Thậm chí, bị án còn hứa bán cho anh Long thêm căn nhà số 743 đường Quang Trung. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng (giữa tháng 6 tới 30/7/2008), anh Long đã đưa cho Dinh tổng cộng số tiền 6 tỷ đồng.

Năm 2013, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên mức án chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thị Dinh. Song người bị hại tiếp tục kháng án phần dân sự.

Lý do là việc tòa tuyên buộc bị cáo bồi thường tiền chiếm đoạt cho 3 bị hại nhưng lại giao quyền sở hữu tài sản kê biên là vật chứng trong vụ án (trong đó có căn nhà ở phố Nhật Nhật Duật) cho anh Nguyễn Minh Mẫn là không phù hợp, bởi lẽ đó là tài sản duy nhất của bị cáo.

Tháng 7/2015, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xem xét lại bản án. Và để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả bị hại, cần hủy án sơ thẩm và phúc thẩm về phần trách nhiệm dân sự để xét xử theo hướng kê biên ngôi nhà trên bồi thường cho những người bị hại theo tỷ lệ phần trăm. Hướng giải quyết này được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội áp dụng tại phiên tòa đầu năm 2016.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết, theo Điều 605 Bộ luật Dân sự: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ...” nên tất cả bị hại, người có nghĩa vụ liên quan đều phải được xem xét bồi thường như nhau theo tính chất, giá trị và lỗi của từng chủ thể tham gia.

Mặt khác, Khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự cũng quy định: “Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án”.    

Chuyên đề

Kết nối đầu tư