Quốc hội không quyết việc chỉ định ACV là nhà đầu tư Sân bay Long Thành

(BĐT) - Tại Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được thông qua chiều qua, Quốc hội không quyết định việc chỉ định nhà đầu tư như đề xuất của Chính phủ.
Phối cảnh nhà ga sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh:ACV
Phối cảnh nhà ga sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh:ACV

Trước đó, báo cáo Quốc hội, Chính phủ đề xuất hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước) giao ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ) giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Chính phủ xin ý kiến Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1, trong đó có chấp thuận về hình thức đầu tư như phương án đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội không chấp thuận nội dung này. Cụ thể, theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.

Theo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Dự án Cảng HKQT Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tại Nghị quyết, Quốc hội thông qua việc đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án Cảng HKQT Long Thành không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành (sau đây gọi là Nghị quyết số 94/2015/QH13).

Đồng thời, Về phương án huy động vốn, Quốc hội quyết nghị Dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch.

Về công nghệ, bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Quốc hội đồng ý điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050 héc-ta thành 570 héc-ta dành riêng cho quốc phòng và 480 héc-ta cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Đồng thời, bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào Dự án: tuyến số 01 nối với Quốc lộ 51; tuyến số 02 nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề