Quốc hội cùng Chính phủ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

(BĐT) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến...
Quốc hội ủng hộ Chính phủ tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho mọi doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Quốc hội ủng hộ Chính phủ tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho mọi doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, đa số ý kiến đều thống nhất với mục tiêu, quan điểm về việc cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp.

Chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp thiết

Tại Phiên họp vừa qua của UBTVQH, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Dự thảo Luật hướng tới tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong kinh doanh.

Đồng thuận quan điểm xây dựng Luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN, phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của UBTVQH và Quốc hội là luôn ủng hộ Chính phủ, luôn đồng hành cùng Chính phủ, phối hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đất nước, trong đó có giải quyết, xử lý các khó khăn của DN.

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) Vũ Hồng Thanh đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung và chỉ đưa ra các nội dung thực sự cấp thiết gây cản trở hoạt động của DN và cần có sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý nhà nước; không đưa vào sửa đổi, bổ sung những nội dung chỉ nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh từ việc thi hành, áp dụng pháp luật để đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung mang tính khả thi.

UBTVQH đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung, cũng như hồ sơ Dự án Luật để Chính phủ sớm trình UBTVQH, Quốc hội xem xét. 

Bãi bỏ 36, hợp nhất 25 và bổ sung 12 ngành nghề

Liên quan đến các quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được các bộ, ngành liên quan rà soát rất kỹ lưỡng, do đó đề nghị Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Kỳ họp tới.

Theo đề xuất của Chính phủ, sẽ bãi bỏ một số ngành, nghề không cần thiết; cập nhật, chuẩn xác tên gọi và hệ thống hóa một số ngành, nghề. Đồng thời, bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Theo đó, Dự thảo Luật bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hợp nhất 25 ngành, nghề vào 7 ngành, nghề; chuẩn hóa tên gọi của 36 ngành, nghề và bổ sung 12 ngành, nghề. Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 ngành, nghề (giảm 49 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành).

Điều 8 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 quy định về sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định: “Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của Luật này theo thủ tục rút gọn”.

Chiểu theo quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, nếu việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đáp ứng được quy trình, thủ tục, chất lượng theo thủ tục rút gọn thì sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 dự kiến được khai mạc ngày 20/10 tới.

Chuyên đề