Quản lý đầu tư công theo nguyên tắc thị trường

(BĐT) - “Mấy chục năm nay, cứ hết một nhiệm kỳ đánh giá đầu tư công có tiến bộ, nhưng vấn đề luôn được chỉ ra là vẫn còn dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả… Mấy từ đó lặp đi lặp lại, và có thể tiếp tục lặp lại nhiều nhiều kỳ nữa”. 
Các dự án đầu tư công phải được lựa chọn trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả. Ảnh: Song Lê
Các dự án đầu tư công phải được lựa chọn trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả. Ảnh: Song Lê

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu như vậy tại một tọa đàm đối thoại chính sách về sửa đổi Luật Đầu tư công diễn ra mới đây.

Lời giải tuy không được đưa ra một cách trực diện, nhưng ông Nguyễn Đình Cung và nhiều chuyên gia khác nhấn mạnh đến vai trò của việc lựa chọn dự án đầu tư công.

Thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, dù có nhiều thay đổi trong quản lý đầu tư công, đến nay vẫn là bài toán khó. Rất nhiều ví dụ như đường vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau vài trận mưa đã hỏng; công trình thủy lợi kế hoạch dự tính tưới tiêu 1.000 ha nhưng làm xong chỉ tưới được có 500 ha; công trình nhà thi đấu đầu tư 1.000 tỷ đồng nằm giữa đồng không mông quạnh, sử dụng kém hiệu quả… Tại một số địa phương, nhiều dự án chưa có tính cấp thiết hay có giá trị sử dụng không cao như tượng đài hay quảng trường vẫn đang được xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước...

Câu hỏi ông Nguyễn Đình Cung đặt ra là tại sao câu chuyện lãng phí, kém hiệu quả liên tục lặp lại?

Không đưa ra câu trả lời trực diện, ông Nguyễn Đình Cung dẫn lại nội dung của nhiều nghị quyết đã nêu phải xây dựng các thị trường nhân tố sản xuất để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ nguồn lực xã hội, nguồn lực nhà nước phải được phân bổ theo nguyên tắc thị trường, các dự án đầu tư phải được lựa chọn trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả của từng dự án.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có bóng dáng của việc lựa chọn dự án theo nguyên tắc thị trường, lựa chọn trên cơ sở mức độ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, việc lựa chọn dự án phải là nhà chuyên môn chọn, không phải nhà chính trị. Nhà chính trị quyết định nhưng lựa chọn phải là nhà chuyên môn, tư vấn độc lập. Hiện thiếu vắng điều đó trong quy trình lựa chọn dự án.
PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư công cần hướng tới những nội dung để đảm bảo cơ chế thị trường được vận hành đối với đầu tư công, quản lý đầu tư công. Theo ông Trần Kim Chung, cơ chế thị trường là quá trình phân bổ nhằm tối ưu hóa nguồn lực, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế. Quản lý đầu tư công trong cơ chế thị trường là cơ chế quản lý, phân bổ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án có hiệu quả xã hội cao nhất, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.

Ông Trần Kim Chung nhận định, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thẩm định, đánh giá, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án đầu tư công có vai trò quyết định đối với quản lý đầu tư công trong cơ chế thị trường. Đồng thời, cần thực hiện cơ chế tái thẩm định và đánh giá sau khi thực hiện dự án, minh bạch hóa thông tin về các dự án đầu tư công, thẩm định dự án, cũng như hệ thống số liệu thống kê đầu vào cho thẩm định dự án.

Ở góc độ chung, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ cho rằng, chính sách đầu tư công cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng bảo đảm vai trò của Nhà nước trong điều hành kinh tế thị trường, tách bạch giữa chức năng quản lý kinh tế và chức năng đầu tư của Nhà nước. Chính sách đầu tư công cần thể hiện định hướng Nhà nước chuyển từ vai trò điều hành kinh tế bằng các quyết định đầu tư cụ thể sang vai trò kiến tạo sự phát triển, giảm dần chi ngân sách cho mục tiêu kinh doanh. Vốn của Nhà nước chỉ là vốn mồi, tiếp sức cho các nguồn vốn khác tham gia xã hội hóa hoạt động đầu tư công, ví dụ qua cơ chế đối tác công - tư. Việc quản lý đầu tư công theo dự án gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với việc phê duyệt dự án, tổ chức thực hiện và giám sát đầu tư công.  

Chuyên đề