Phát triển logistics sau đại dịch chịu sức ép lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 đã khiến lĩnh vực logistics bị ảnh hưởng nặng nề với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước tăng phi mã… Trong khi đó, các dự báo cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Vì vậy, phát triển logistics sau đại dịch như thế nào để đáp ứng nhu cầu của thị trường khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại là vấn đề đang được đặc biệt quan tâm.
Cần phát triển các trung tâm logistics, kết nối phương thức vận tải để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Ảnh: Tường Lâm
Cần phát triển các trung tâm logistics, kết nối phương thức vận tải để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Ảnh: Tường Lâm

Gặp khó trong đại dịch

Là một khách hàng lớn của ngành dịch vụ logistics, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu của Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động nên doanh nghiệp (DN) không có nguyên liệu để sản xuất. Bước sang năm 2021, thị trường Trung Quốc khôi phục trở lại thì lại không có container để nhà cung cấp xuất khẩu nguyên phụ liệu, khi có container thì không có tàu, khi có tàu thì phải mất nhiều thời gian mới nhận được hàng. Không chỉ đầu vào sản xuất bị ảnh hưởng, việc xuất khẩu, giao hàng cũng bị chậm tiến độ, gây ra thiệt hại nặng nề cho DN. Theo ông Việt, trong bối cảnh đó, DN phải trả rất nhiều khoản chi phí logistics như: phí mất cân bằng container, phí lưu huỳnh, phí cảng biển... với mức rất cao.

Chia sẻ khó khăn của khách hàng, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua, bản thân các DN logistics cũng gặp rất nhiều khó khăn.

“Tại đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, tỉnh Hải Dương đóng cửa Quốc lộ 18, tiếp đó là Quốc lộ 5A khiến DN logistics thiệt hại nặng nề, khoảng trên 100 triệu đồng/ngày do xe phải chạy vòng vèo để vận chuyển hàng hóa giữa khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang và cảng Hải Phòng”’, ông Nghĩa cho biết. Ở đợt bùng phát dịch bệnh gần đây nhất, TP. Hà Nội cũng đóng cửa Quốc lộ 1A trong khi đây là tuyến huyết mạch của nền kinh tế.

Theo thống kê của VLA, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có khoảng 15% DN bị giảm 50% doanh thu và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10 - 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, ngành dịch vụ logistics vẫn còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục như: năng lực cạnh tranh của thấp, chi phí cao… Tất cả những hạn chế này, nếu không được khắc phục, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Phát triển chuỗi logistics như thế nào?

Dự báo về triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Vậy logistics - ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế phải làm gì để hỗ trợ DN nói chung và DN xuất khẩu Việt Nam nói riêng khôi phục và phát triển mạnh mẽ sau dịch? Trả lời câu hỏi này, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển, trong đó có phát triển nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành logistics là sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nhìn vào thực trạng chi phí logistics của Việt Nam hiện còn cao so với khu vực và thế giới, ông Trần Đức Nghĩa cho rằng, cơ cấu thị phần 5 phương thức vận tải của Việt Nam vẫn thiếu hợp lý, chủ yếu là vận tải đường bộ dẫn đến chi phí cao. Hơn nữa, Việt Nam thiếu trung tâm logistics để kết nối các phương thức vận tải.

“Tôi cho rằng, cần đẩy mạnh vận tải đa phương thức cũng như phát triển các trung tâm logistics, kết nối các phương thức vận tải để hỗ trợ DN giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa”, ông Nghĩa đề xuất và cho rằng, trung tâm logistics này phải là trung tâm logistics quốc gia.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng DN mạnh trong ngành logistics, không chỉ để dẫn dắt thị trường trong nước, mà còn vươn ra quốc tế. Đồng thời, các DN dịch vụ logistics cần tích cực ứng dụng số hóa để phục vụ DN tốt nhất. Bà Bùi Thị Lê Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Logistics Hàng không ALS cho biết, có hai yếu tố tác động chính đến việc số hóa của DN logistics, trước hết là xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế số. “Nếu không có những bước đi chiến lược cho việc số hóa, có khả năng chúng ta sẽ bị lùi lại phía sau”, bà Hằng nói.

Chuyên đề