Phát triển công nghiệp mũi nhọn: Cần cơ chế nuôi dưỡng “sếu đầu đàn”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát triển hệ thống doanh nghiệp (DN) công nghiệp, hình thành được các tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế là một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển ngành công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều DN đủ mạnh để dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn. Thực tế này đòi hỏi những cơ chế, chính sách mạnh mẽ, đột phá để hỗ trợ các DN công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế, vươn lên thành những tổng thầu ở những lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn.
Việt Nam đang có một số doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực chế tạo ô tô, xe máy và thủy điện như Vinfast, Trường Hải, Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam… Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam đang có một số doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực chế tạo ô tô, xe máy và thủy điện như Vinfast, Trường Hải, Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam… Ảnh: Lê Tiên

Đông nhưng chưa vững

Nhìn nhận về vai trò dẫn dắt của các DN công nghiệp mũi nhọn, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng, hiện Việt Nam có một số DN lĩnh vực công nghiệp cơ khí tạm coi là “sếu đầu đàn”, nhưng số lượng chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.

Ông Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) nhận định, nước ta đang có một số DN mạnh trong lĩnh vực chế tạo ô tô, xe máy và thủy điện như: Vinfast, Trường Hải, Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam… Các DN này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều DN vệ tinh và người lao động. Song, ở nhiều ngành công nghiệp khác, chúng ta chưa có DN đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo. Các DN công nghiệp cơ khí mới chỉ đang xử lý công nghệ nền, khả năng tự chủ thiết kế công nghệ lõi còn hạn chế, vì thế, công nghệ vẫn phụ thuộc vào DN nước ngoài. Trong các dự án dự kiến đầu tư thời gian tới ở một số lĩnh vực như năng lượng (điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh…); hạ tầng giao thông (đường sắt tốc độ cao...), DN nội địa chỉ làm được những việc đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, cơ bản công nghiệp nước ta vẫn là gia công, lắp ráp; công trình, dự án trình độ cao có nhưng rất ít. Trong cơ cấu ngành công nghiệp, vai vế của DN Việt Nam trong ngành chưa tương xứng khi phần đóng góp của nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, nước ta hiện có khoảng 25.000 DN công nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần một phần ba nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Số DN tham gia được vào chuỗi cung ứng còn khiêm tốn…

Nếu có cơ chế, chính sách phù hợp...

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang có “cơ hội vàng” để phát triển một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ mới như bán dẫn, hydrogen xanh… Với ngành cơ khí, quy mô thị trường giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Đây là cơ hội để các DN cơ khí nâng cao sức cạnh tranh, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế.

Nhận định về khả năng tham gia các công trình, dự án trọng điểm của đất nước thời gian tới, ông Vũ Văn Khoa tự tin: “DN Việt Nam có thể làm được việc lớn nếu có cơ chế, chính sách phù hợp. Khi làm được điều này, tiến độ đầu tư các dự án sẽ được đẩy nhanh, đồng thời tiết kiệm đáng kể vốn đầu tư”.

Ông Khoa dẫn chứng, năm 2003, NARIME được giao nhiệm vụ học hỏi kinh nghiệm thiết kế, chế tạo thiết bị thủy công phục vụ các dự án thủy điện. Theo đó, đơn vị đã đi khảo sát các DN từ những cường quốc làm thủy điện như: Hàn Quốc, Na Uy, Đức, Nga và Ukraine… Kết quả là, NARIME đã làm chủ thiết kế 29 công trình, trong đó có 2 công trình lớn (Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu), góp phần làm giảm giá thành chế tạo của sản phẩm, kéo giảm tổng mức đầu tư, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Để ngành cơ khí có thêm doanh nghiệp tổng thầu, lãnh đạo NARIME mong muốn thời gian tới, Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN cơ khí trong nước có cơ hội đảm nhận các dự án, công trình trọng điểm của đất nước.

PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, muốn phát triển ngành công nghiệp nền tảng thì DN trong nước phải mạnh. Trong xây dựng chính sách, cần rà soát, thay đổi những quy định gây khó khăn, cản trở sự phát triển của DN.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp tục đưa ra một số cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp, tạo thuận lợi cho DN công nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng luật về sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm nhằm giải quyết những vấn đề về kết nối, chính sách hỗ trợ DN, chuyển đổi và phát triển thị trường.

Với hàng loạt chuyển động chính sách cùng quyết tâm và trí tuệ Việt Nam, ngành công nghiệp, trong đó có ngành cơ khí kỳ vọng có những nấc thang phát triển mới.

Chuyên đề