Phát lộ nhiều sai phạm tại Dự án khu đô thị mới Phú Lộc (Lạng Sơn)

(BĐT) - Sau khi chia tách các dự án thành phần của Dự án khu đô thị mới Phú Lộc, UBND tỉnh Lạng Sơn không tổ chức đấu thầu công trình, đấu giá đất để lựa chọn nhà thầu; giao thực hiện các công trình trong Dự án có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, được thanh toán từ 12% quỹ đất của Tỉnh nhưng không lập thẩm định phê duyệt dự án và không lập thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, không lựa chọn nhà thầu, không ký hợp đồng xây dựng… 
Sau 14 năm được triển khai nhưng Dự án Khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV vẫn chưa hoàn thành, không đảm bảo tiến độ được phê duyệt
Sau 14 năm được triển khai nhưng Dự án Khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV vẫn chưa hoàn thành, không đảm bảo tiến độ được phê duyệt

Đó là một số sai phạm điển hình tại Dự án khu đô thị mới Phú Lộc được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra tại Thông báo kết luận thanh tra mới đây.

TTCP cho biết, tính đến nay, sau 14 năm triển khai nhưng Dự án Khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV vẫn chưa hoàn thành, không đảm bảo tiến độ được phê duyệt.

Cụ thể, Dự án Khu đô thị Phú Lộc I, II mới thực hiện được 251/287 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Phú Lộc III mới thực hiện được 70% khối lượng công việc; Dự án Khu đô thị Phú Lộc IV mới thực hiện được 212/1.591 tỷ đồng, đạt 13,3% tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án.

Chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Phú Lộc có trong Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2001 – 2005) của tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương thực hiện Dự án theo hình thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn làm thủ tục thu hồi, giao đất để thực hiện Dự án và thực hiện cơ chế tài chính trong việc thu tiền sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh Lạng Sơn đã không thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không chấp hành các quy định của pháp luật để triển khai nên việc tổ chức thực hiện Dự án có nhiều sai phạm.

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn đã không lập báo cáo xin phép đầu tư để lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ quản lý ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư. Điều này trái với quy định tại Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 07/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

TTCP cũng cho biết, mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn vẫn chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ vào đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Phú Lộc để chia tách thành các dự án thành phần để lập báo cáo nghiên cứu khả thi như 1 dự án đầu tư độc lập. Điều này vi phạm Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 07/2003/NĐ-CP. Kết quả thanh tra của TTCP đã chỉ ra, quá trình thực hiện Dự án Khu đô thị Phú Lộc đã vi phạm Quyết định 22/2003/QĐ-BTC ngày 18/2/2003 của Bộ Tài chính quy định đấu thầu công trình, đấu giá đất sử dụng tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng; vi phạm quy định tại Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đấu thầu.

TTCP khẳng định, việc UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, giao nhà đầu tư thực hiện 4 dự án thành phần của Dự án khu đô thị Phú Lộc khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép thực hiện là trái thẩm quyền.

Việc UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt tổng mức đầu tư Dự án gồm cả giá trị hạ tầng kiến trúc là không phù hợp với cơ chế đổi đất lấy hạ tầng; không lập dự toán chi tiết hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở để đối trừ tiền đất được quy định tại Điều 13 Quyết định 22/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Mặt khác, UBND tỉnh Lạng Sơn cho thực hiện cơ chế tài chính của Dự án là giao đất thực hiện dự án thu 12% quỹ đất ở sau khi thực hiện xong Dự án là trái với các quy định của pháp luật về đất đai, không thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TTCP chỉ rõ, trách nhiệm của các sai phạm này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh phụ trách lĩnh vực; Giám đốc Sở Xây dựng đối với vấn đề xây dựng; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến đất đai; Giám đốc Sở Tài chính đối với vấn đề cơ chế tài chính (thời kỳ 2001 – 2005).

Chuyên đề