Phát huy lợi thế, bất động sản Bình Phước khẳng định sức hút

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát huy thế mạnh về vị trí, hạ tầng, chính sách ưu đãi, Bình Phước đang từng bước khẳng định sức hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông và khu công nghiệp (KCN) chuẩn bị được triển khai cũng khiến thị trường bất động sản Bình Phước nóng lên từng ngày.
Chơn Thành sẽ thu hút lượng lao động lớn, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao
Chơn Thành sẽ thu hút lượng lao động lớn, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao

Tiềm năng không thể phủ nhận

Bình Phước là tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí địa lý đắc địa và là cửa ngõ, cầu nối vào các trung tâm kinh tế động lực, như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Với các trục hành lang chiến lược như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh,... Bình Phước còn là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Một lợi thế lớn nữa là Tỉnh đang sở hữu quỹ đất lớn, độ phì nhiêu cao, thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp như điều, cao su, cà phê, tiêu, cây ăn trái. Qua đó, tạo vùng nguyên liệu dồi dào phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm... phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với những lợi thế đó, Bình Phước phát huy tối đa tiềm năng phát triển công nghiệp. Bằng chứng là dòng vốn ngoại đổ về đây ngày càng nhiều, kể cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu. Tính đến nay, các KCN trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 295 dự án thứ cấp, trong đó 201 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 94 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.416,75 tỷ đồng và 2.162 triệu USD; diện tích thuê đất 991,59 ha. Bình Phước hiện có 14 KCN và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với tổng diện tích 4.679 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Chơn Thành, Đồng Phú và TP. Đồng Xoài.

Trong giai đoạn phát triển mới, Bình Phước đã có quy hoạch và chuẩn bị tốt mặt bằng, sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương mở rộng các KCN trên địa bàn Tỉnh như KCN Minh Hưng III (577 ha), KCN Bắc Ðồng Phú (317 ha), KCN Nam Ðồng Phú (480 ha), KCN Minh Hưng - Sikico (1.000 ha).

Về hạ tầng giao thông, cuối tháng 2/2021, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước báo cáo UBND Tỉnh về kế hoạch thực hiện lập Dự án Sân bay lưỡng dụng Técníc Hớn Quản diện tích 400 - 500 ha, theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, Tỉnh cũng có kế hoạch chuẩn bị đầu tư một loạt dự án hạ tầng giao thông lớn, như đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông (vốn đầu tư 36.000 tỷ đồng), đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh (vốn đầu tư gần 950 triệu USD); khởi công tuyến đường gần 1.000 tỷ đồng nối Quốc lộ 13 với cửa khẩu Hoa Lư. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng, nâng cấp tuyến đường ÐT 753 kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện về đường bộ lẫn đường hàng không cùng quỹ đất công nghiệp dồi dào sẽ là nguồn động lực lớn giúp Bình Phước đưa nền kinh tế công nghiệp phát triển mạnh mẽ... Kéo theo đó là tiềm năng bứt phá của thị trường bất động sản.

Khu đô thị Phúc Hưng Golden quy mô 52 ha được quy hoạch bài bản, mật độ xây dựng chưa đến 50%

Khu đô thị Phúc Hưng Golden quy mô 52 ha được quy hoạch bài bản, mật độ xây dựng chưa đến 50%

Chơn Thành tạo sóng

Dự báo về thị trường bất động sản Bình Phước, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, Chơn Thành sẽ trở thành điểm sáng với Quốc lộ 13 kết nối tỉnh Bình Dương, các KCN cũng tiếp nối của Bình Dương.

Chơn Thành đã và đang khẳng định vị thế thủ phủ công nghiệp của Bình Phước với diện tích đất công nghiệp chiếm hơn 52% toàn Tỉnh và là tọa độ vàng thu hút làn sóng di dân cơ học. Trong năm 2020, Huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 5.200 lao động. Mới đây Công ty C.P Việt Nam đã đầu tư Tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà CPV Food 250 triệu USD, lớn nhất Đông Nam Á tại Khu liên hợp Công nghiệp và Đô thị Becamex - Bình Phước (huyện Chơn Thành). Riêng nhà máy này sẽ tạo thêm việc làm cho hơn 3.000 lao động. Với quỹ đất công nghiệp được phê duyệt chủ trương mở rộng trong tương lai, Chơn Thành sẽ tiếp tục thu hút lượng lao động lớn đổ về, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao.

Theo ông Lê Công Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Địa ốc Hoàng Cát, tương tự như Dĩ An (Bình Dương) giáp ranh TP.HCM, Chơn Thành giáp ranh với Bình Dương và được nối dài bởi các KCN lớn. Để đáp ứng sự phát triển của công nghiệp, các vấn đề về hạ tầng, dịch vụ, phát triển đô thị nhằm phục vụ cho cư dân là nhu cầu cấp thiết.

Tạo tiếng vang với loạt dự án nhà ở tại Chơn Thành, Tập đoàn Địa ốc Hoàng Cát đang tiếp tục phát triển Khu đô thị Phúc Hưng Golden quy mô 52 ha ngay giao điểm của các KCN lớn, với mong muốn tạo một chốn an cư chất lượng cho các chuyên gia, cán bộ công nhân viên đang sinh sống và làm việc tại địa phương.

Khu đô thị Phúc Hưng Golden tọa lạc ngay mặt tiền Đại lộ Minh Hưng - Dầu Tiếng, liền kề đường phía Tây Quốc lộ 13, tuyến đường giảm tải cho Quốc lộ 13 hiện hữu. Với vị trí này, Phúc Hưng Golden trở thành tâm điểm giao thương liên vùng và quốc tế. Cư dân sinh sống tại khu đô thị cũng có thể khai thác thương mại, dịch vụ hiệu quả.

Trong khuôn viên Dự án đã được quy hoạch 2 trung tâm thương mại. Đại diện nhà phát triển Dự án cho biết, trong tháng 4/2021 sẽ động thổ trung tâm thương mại đêm Phúc Hưng Golden Mall quy mô hơn 3.900 m2. Khu Phúc Hưng Plaza gần 1 ha sẽ được động thổ vào quý IV năm nay. Hiện dự án này đã hoàn thiện hạ tầng cơ bản, và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từng nền.

Định hướng trong giai đoạn 2020 - 2025, Chơn Thành sẽ là đô thị loại III theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg. Khi đó, Chơn Thành sẽ được nâng cấp thành thị xã. Cùng với sự xuất hiện của nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị được quy hoạch bài bản, chỉn chu, thị trường bất động sản Chơn Thành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và nhanh chóng thiết lập mặt bằng giá mới.

Chuyên đề