Mua sắm trang thiết bị dạy học không đúng quy định tại một số trường phổ thông dân tộc nội trú là nguyên nhân gây lãng phí ngân sách nhà nước. Ảnh: Nhã Chi |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 12 địa phương, nhiều vi phạm về đầu tư xây dựng cơ bản đã phần nào làm hạn chế hiệu quả của đề án này.
Ghi nhận những chuyển biến tích cực
Đánh giá về hiệu quả việc thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2011 - 2015” tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 12 tỉnh thuộc Đề án, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng, Đề án được thực hiện đã góp phần củng cố và phát triển mạng lưới hệ thống trường PTDTNT. Tính đến tháng 12/2015, cả nước đã có 308 trường PTDTNT được thành lập tại 50 tỉnh, tăng 14 trường so với trước khi thực hiện Đề án. Quy mô học sinh học trường PTDTNT cũng tăng 7.300 học sinh.
Cũng qua thực hiện Đề án, các địa phương đã tăng cường xây dựng nâng cấp, bổ sung các trường PTDTNT đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Hiện, có 120 trong số 308 trường được công nhận đạt chuẩn, tăng 26% so với trước khi thực hiện Đề án, vượt 9% so với chỉ tiêu Đề án đề ra. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của hệ thống trường PTDTNT được nâng lên rõ nét; chất lượng giáo dục của các trường cũng ngày càng được nâng cao.
“Đề án thực sự đã có tác động tích cực về chính trị, xã hội, tạo những chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự quan tâm chung tay vào cuộc của các tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh trong việc củng cố và phát triển các trường PTDTNT, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, Thanh tra Chính phủ ghi nhận.
Phát hiện vi phạm về đầu tư xây dựng
Đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, qua thanh tra việc triển khai thực hiện Đề án tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), TTCP vẫn phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện, trong đó có việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể, TTCP chỉ rõ: “Bộ GD&ĐT và Ban Chỉ đạo Đề án bố trí nguồn vốn cho các dự án đã được phê duyệt còn chậm, thiếu, dẫn đến nhiều dự án kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch đề ra; có dự án không thể triển khai được sau khi phê duyệt, gây lãng phí trong đầu tư”.
Vi phạm trong chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản còn được TTCP phát hiện qua thanh tra việc thực hiện Đề án tại 12 tỉnh là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Bình Phước, An Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Cụ thể, công tác lập dự toán thiết kế áp sai mã hiệu, sai hệ số, sai đơn giá, tính thiếu hoặc thừa khối lượng. Việc áp dụng các chế độ, chính sách trong thanh, quyết toán khối lượng và dự án hoàn thành cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, một số hạng mục vượt quy mô của dự án nhưng không phê duyệt bổ sung…
Ngoài ra, một số vi phạm khác tại 12 địa phương như phân bổ vốn, mua sắm trang thiết bị dạy học, quy định định mức xây dựng cơ bản không đúng quy định… đã làm chậm tiến độ thực hiện Đề án tại địa phương, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
“Tổng số tiền vi phạm được phát hiện qua thanh tra tại 56 dự án là 8.176,986 triệu đồng. Trong đó, các đoàn thanh, kiểm toán ở Trung ương và địa phương phát hiện 6.649,531 triệu đồng; Đoàn thanh tra của TTCP phát hiện 1.780,61 triệu đồng”, Kết luận của TTCP nêu rõ.