Petrolimex bị kiến nghị xử lý hàng ngàn tỷ đồng

Vấn đề nổi cộm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra khi thanh tra Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là thua lỗ từ đầu tư tài chính, đầu tư ngoài ngành của đơn vị này.
Một số hoạt động đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ Petrolimex đã có những vi phạm không nhỏ.
Một số hoạt động đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ Petrolimex đã có những vi phạm không nhỏ.

Trong kết luận thanh tra tại Petrolimex, Thanh tra Chính phủ cho biết, đã thực hiện việc kiểm tra tại tập đoàn này từ ngày 26/12/2013 đến 17/6/2014. Theo đó, Petrolimex đã vi phạm nhiều quy định trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa doanh nghiệp; quản lý hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và các công ty thành viên, cũng như quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng đất trong suốt thời gian từ năm 2010 đến hết quý II/2013.

Lỗ khủng từ đầu tư ngoài ngành

Đáng chú ý, Petrolimex đầu tư tài chính ngoài doanh nghiệp một số tiền “khủng” nhưng kém hiệu quả. Theo đó, đến thời điểm 30/6/2013, công ty mẹ Petrolimex đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp tổng số hơn 10.541 tỷ đồng, bao gồm: đầu tư 100% vốn vào 45 công ty thành viên hơn 5.463 tỷ đồng, đầu tư vào 23 công ty cổ phần hơn 2.884 tỷ đồng, đầu tư vào 3 công ty liên doanh 1.649 tỷ đồng, mua cổ phần của 7 công ty cổ phần hơn 128 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều khoản đầu tư tài chính từ năm 2010 vào một loạt công ty kém hiệu quả như: Công ty cổ phần Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 chưa có cổ tức.

Các khoản đầu tư đạt tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Điển hình là việc đầu tư vào Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex 76,5 tỷ đồng nhưng cổ tức thu được chỉ đạt trên 6,4 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân mỗi năm chỉ đạt 2,8%; đầu tư vào Công ty cổ phần Bất động sản Petrolimex 102 tỷ đồng, cổ tức chỉ thu được 6,12 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân mỗi năm chỉ đạt 2%.

Đáng chú ý, một số hoạt động đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ Petrolimex đã có những vi phạm không nhỏ. Điển hình là việc đầu tư thêm 400 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ vào Ngân hàng PG Bank và Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex trên 171 tỷ đồng (chiếm 51%) mà không được sự chấp thuận của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ; Đầu tư 51 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bất động sản Petrolimex cũng không được sự chấp thuận của Bộ Công thương. Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2010, tổng số tiền đầu tư ngoài ngành tại 3 đơn vị này là hơn 622 tỷ đồng, trong đó sử dụng vốn để đầu tư tài chính dài hạn là hơn 231 tỷ đồng.

Công ty con “tự tung tự tác”

Thanh tra tại đơn vị thành viên của Petrolimex là Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai phạm. Vipco đã đầu tư trên 311 tỷ đồng, nhưng các khoản đầu tư đều không hiệu quả, sai quy định. Đó là việc Vipco đầu tư hơn 56 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty cổ phần An Phú nhưng chưa có hiệu quả kinh tế, có nguy cơ mất vốn. Vipco đã chuyển 72,54 tỷ đồng khoản tiền ký quỹ vào tài khoản Công ty TNHH Thiên Lộc Phú, cho công ty này thực hiện 4 dự án nhưng ông Nguyễn Đạo Thịnh, Tổng giám đốc Vipco lại cho đối tác rút 20,18 tỷ đồng không có căn cứ. Số tiền rút ra không được sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng và hoạt động của Công ty Thiên Lộc Phú, đến nay vẫn còn 18,68 tỷ đồng chưa thu hồi được.

Ngoài ra, khi hai đơn vị này chưa ký hợp đồng hợp tác đầu tư, nhưng ông Nguyễn Đạo Thịnh và bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (Công ty Thiên Lộc Phú) đã ký hợp đồng dịch vụ với nội dung trả các loại phí liên quan đến dịch vụ nhận tiền nước ngoài và ngày 10/4/2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh và ông Vũ Quang Khánh (nguyên Kế toán trưởng Vipco) chuyển 483 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, khoản tiền này đến nay chưa thu hồi được. Thanh tra Chính phủ nhận định đây là hành vi vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của Tổng giám đốc và Kế toán trưởng Vipco.

Đối với việc đầu tư tài chính của Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex (nay là Tổng công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex), sau khi góp 5 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Đầu tư Thương mại PLG, năm 2011, PLG giải thể, việc đầu tư vào công ty này không hiệu quả, lỗ hàng trăm triệu đồng. Hay như Công ty Xăng dầu khu vực II sử dụng vốn kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang xây dựng, cải tạo hệ thống bán hàng xăng dầu. Đến thời điểm thanh tra, Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang vẫn còn nợ hơn 25,5 tỷ đồng, trong khi Công ty Xăng dầu khu vực II thường xuyên sử dụng vốn vượt mức quy đinh, làm giảm hiệu quả kinh doanh xăng dầu.

Trước những sai phạm của Petrolimex, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý 1.191 tỷ đồng và 310.000 USD. Đồng thời, cơ quan thanh tra cũng yêu cầu Bộ Công thương xác định, truy thu thuế với hơn 319,5 tấn dầu diesel đã bán tái xuất không đúng đối tượng. Petrolimex cũng được yêu cầu trích bổ sung Quỹ bình ổn gần 5 tỷ đồng, xác định lại hơn 53,7 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đúng quy định hơn 622 tỷ đồng. Petrolimex phải xây dựng lộ trình thu hồi vốn kinh doanh cho vay xây dựng, cũng như thu hồi các khoản nợ phát sinh khác.

Chuyên đề