NSH Petro - tân binh của HOSE hoạt động ra sao?

(BĐT) - Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, mã chứng khoán PSH). Vậy doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động ra sao?
NSH Petro có hệ thống phân phối xăng dầu lớn nhất trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Hoài Đức
NSH Petro có hệ thống phân phối xăng dầu lớn nhất trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Hoài Đức

NSH Petro tiền thân là Công ty CP Thương mại Đầu tư Hóa dầu Nam Sông Hậu, thành lập ngày 14/2/2012 với vốn điều lệ ban đầu 60 tỷ đồng, trụ sở tại tỉnh Hậu Giang. Sau 6 đợt tăng vốn, NSH Petro hiện có vốn điều lệ gần 1.262 tỷ đồng. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, kinh doanh vận tải...

Với 4 công ty con, 2 công ty liên kết và 21 chi nhánh tại TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, NSH Petro hiện giữ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực phân phối xăng dầu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo thống kê của Sở Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2018, NSH Petro sở hữu tới 450/1.063 đại lý xăng dầu tại 11 tỉnh thành trên địa bàn, là doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn nhất trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Tây.

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu thuần bán hàng bình quân 3 năm gần nhất (2017 - 2019) của NSH Petro đạt khoảng 8.843 tỷ đồng. Tuy vậy, với tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu (ROS) thấp của ngành kinh doanh xăng dầu, NSH Petro hiện báo lãi ròng mỗi năm khoảng 140 tỷ đồng.

Sức khỏe tài chính của NSH Petro trong thời gian vừa qua có điểm tích cực là hoạt động kinh doanh quý I/2020 được duy trì ổn định. Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu 1.618 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20,9 tỷ đồng, gần như không đổi so với quý I năm ngoái. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) báo lỗ do khó khăn bởi biến động của thị trường và tình hình dịch bệnh tác động tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Năm 2020, Công ty còn đặt kết hoạch tham vọng với doanh thu thuần lên tới 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 118% so với năm 2019; lợi nhuận ròng mục tiêu là 270 tỷ đồng, tăng trưởng 120%.

Tính đến thời điểm cuối quý I/2020, tổng tài sản của NSH Petro đạt 10.357 tỷ đồng, tăng trưởng 9,5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả ở mức 8.739 tỷ đồng, chiếm 84% tổng tài sản, chủ yếu là khoản phải trả người bán ngắn hạn 2.154 tỷ đồng, còn vay nợ (ngắn hạn + dài hạn) ở mức 2.361 tỷ đồng.

Hàng tồn kho chính là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản với trị giá 6.070 tỷ đồng, tăng tới 23% so với đầu năm. Ngoài ra, Công ty đang ghi nhận 1.171 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, gồm chủ yếu các dự án bất động sản, du lịch như Khu tái định cư xã Vàm Láng (quy mô 3,622 ha, tổng mức đầu tư 31,9 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái Phong Điền (193,7 tỷ đồng), Khách sạn Hùng Cường (16,5 tỷ đồng)…

Công ty hiện sở hữu 113.152 m2 đất tại Dự án Cảng chuyên dụng, kho chứa xăng dầu, nhà máy sản xuất dầu nhờn, nhà máy khí hóa lỏng và nhà máy chế biến xăng dầu sinh học tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Tổng giá trị khu đất này được xác định là gần 137 tỷ đồng.

Tính đến 26/9/2019, ông Mai Văn Huy là cổ đông chi phối NSH Petro, với tỷ lệ sở hữu 66,65% vốn điều lệ, tương đương hơn 84,1 triệu cổ phần với giá trị hơn 841 tỷ đồng. Ngoài ghế Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc do ông Mai Văn Huy trực tiếp nắm giữ thì cơ cấu quản trị NSH Petro còn có sự xuất hiện của em trai và con trai vị đại gia này, là ông Mai Văn Thành (SN 1976) và Mai Hữu Phúc (SN 1988).

Chuyên đề