Nóng nghị trường chuyện thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Câu chuyện thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng (TCMR) đang tiếp tục nóng lên tại nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu đặt vấn đề là liệu có hay không việc đùn đẩy trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương? Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang rất tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương, đã trình Chính phủ về cơ chế mua sắm, bố trí ngân sách Trung ương để đảm bảo đủ vắc xin cho TCMR năm 2023.
Theo Bộ Y tế, vắc xin nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023, do không có nhà thầu tham gia khi tổ chức đấu thầu mua sắm vắc xin theo quy định năm 2022
Theo Bộ Y tế, vắc xin nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023, do không có nhà thầu tham gia khi tổ chức đấu thầu mua sắm vắc xin theo quy định năm 2022

“Sinh mạng con người không đợi quy trình”

Đối với các vắc xin sản xuất trong nước, theo Bộ Y tế, Chương trình TCMR đã cung ứng đủ số lượng vắc xin của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023, vắc xin Viêm gan B, vắc xin phòng Lao sử dụng đến tháng 8/2023 và vắc xin Viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9/2023, vắc xin sởi, sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7/2023, vắc xin uốn ván và IPV (bại liệt tiêm) hiện còn tại các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023. Riêng vắc xin nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023 do năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vắc xin theo quy định, tuy nhiên đã không có nhà thầu tham gia.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương dành cho Chương trình MTQG YTDS để mua sắm vắc xin cho Chương trình TCMR, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV (ARV) và Vitamin A; ký hợp đồng với nhà cung ứng, cấp phát cho các địa phương thực hiện. Đối với vắc xin sản xuất trong nước (9 loại), do chỉ có một nhà sản xuất trong nước (mỗi đơn vị sản xuất 2 – 4 loại vắc xin), nên Bộ Y tế thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Còn đối với vắc xin nhập khẩu (3 loại), Bộ Y tế thực hiện theo 2 cơ chế mua sắm theo Luật Đấu thầu, một là mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (Điều 26 Luật Đấu thầu), hai là đấu thầu tập trung với các loại vắc xin đủ điều kiện có từ 3 số đăng ký lưu hành trở lên.

Trong Phiên thảo luận tại Tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan cho biết: "Tất cả đang náo loạn hết lên vì thiếu vắc xin, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ra văn bản hướng dẫn nào. Khi xé lẻ gói thầu đẩy cho địa phương thực hiện, không ai có đủ thời gian, công sức, tiền bạc cũng như đảm bảo chất lượng bảo quản vắc xin… nên Bộ Y tế phải tổ chức đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá, đặt hàng".

“Giờ mới tổng hợp nhu cầu từ các địa phương, đơn vị… thì bao giờ mới có vắc xin, trong khi việc sử dụng vắc xin chỉ đạt hiệu quả khi đúng thời điểm, nếu chậm thì ngành y tế sẽ gánh hậu quả rất lớn, trị giá điều trị còn lớn hơn rất nhiều so với giá vắc xin. Bộ Y tế có thể dựa trên số lượng trẻ em và tỷ suất sinh là có thể tính toán, ước lượng được nhu cầu vắc xin. Khi đã có chỉ đạo của Chính phủ, thì Bộ Y tế cần làm khẩn trương, bởi sinh mạng con người không đợi quy trình”, bà Lan khẩn thiết yêu cầu.

Vị ĐBQH này lo ngại: “Dường như đang có “virus sợ”, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành Trung ương và địa phương… khi triển khai TCMR, với thái độ cứ từ từ, sống chết mặc bay?”.

Cần có Nghị quyết Quốc hội tháo gỡ cơ chế mua sắm và bố trí kinh phí

Trái với ý kiến của đại biểu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ Y tế đang chủ động phối hợp tích cực với Bộ Tài chính và các địa phương và đã trình Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế mua sắm, đảm bảo cung ứng đủ vắc xin cho Chương trình TCMR.

Việc chuyển đổi cơ chế từ mua sắm vắc xin bằng ngân sách Trung ương chuyển sang giao cho địa phương thực hiện từ chi thường xuyên, theo Lãnh đạo Bộ Y tế, là phù hợp với lộ trình đã được Quốc hội phê duyệt và đúng thẩm quyền (bao gồm cả đấu thầu, đặt hàng mua vắc xin sản xuất trong nước và vắc xin nhập khẩu), khi Bộ Y tế không được bố trí kinh phí mua vắc xin năm 2023 từ ngân sách Trung ương.

Mặc dù vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện (trong đó có cả một số địa phương chưa triển khai thực hiện) như: việc bố trí kinh phí của địa phương; việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện… và đề nghị Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá các loại vắc xin trong Chương trình TCMR.

“Nếu theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu, Bộ Y tế không thể thực hiện mua sắm các vắc xin TCMR sản xuất trong nước theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc mua sắm trong trường hợp đặc biệt, vì các đơn vị sản xuất trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham dự thầu”, Lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ Y tế đang chủ động phối hợp tích cực với Bộ Tài chính và các địa phương và đã trình Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế mua sắm, đảm bảo cung ứng đủ vắc xin cho Chương trình TCMR.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ Y tế đang chủ động phối hợp tích cực với Bộ Tài chính và các địa phương và đã trình Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế mua sắm, đảm bảo cung ứng đủ vắc xin cho Chương trình TCMR.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu vắc xin cấp bách hiện nay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ cho phép Bộ Y tế đàm phán giá để mua sắm vắc xin nhập khẩu (trừ Rota) cho Chương trình TCMR từ nguồn ngân sách địa phương; đặt hàng đối với 10 loại vắc xin sản xuất trong nước (bao gồm Rota) trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương và sự ủy quyền của các tỉnh, thành phố, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vắc xin gửi Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.

“Để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung bố trí nguồn ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình TCMR, trong bối cảnh Chương trình MTYT-DS đã kết thúc. Rất mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội trong Kỳ họp này”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để đảm bảo đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vắc xin cho Chương trình TCMR từ năm 2024.

Trong Phiên thảo luận tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng xác nhận: “Trong giai đoạn trước, kinh phí TCMR được đưa vào trong Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, khi kết thúc giai đoạn này, Quốc hội đồng ý và có nghị quyết chuyển qua bố trí vào chi thường xuyên. Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã bố trí được 134 tỷ đồng cho TCMR và năm 2022 là 178 tỷ đồng. Còn năm 2023, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp với Bộ Y tế để bố trí kinh phí mua vắc xin”.

Hiện nay, Chương trình TCMR vẫn tiếp tục triển khai tiêm các vắc xin sẵn có tại các điểm tiêm chủng của xã, phường. Đối với các thuốc lao, ARV, Vitamin A liều cao, Bộ Y tế tích cực làm việc với các nhà tài trợ và sử dụng nguồn thuốc sẵn có để đảm bảo cung ứng cho các địa phương. Đến nay, Bộ Y tế và các địa phương đang tích cực triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Chuyên đề