Nóng chuyện thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi cử tri ở nhiều địa phương nóng ruột về tình trạng thiếu vắc xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí cho trẻ em) kéo dài từ năm 2022 đến nay, thì gói thầu mua sắm vắc xin có giá hơn 82 tỷ đồng mới đây vẫn tiếp tục tình trạng ế ẩm như nhiều gói trước đó, không lựa chọn được nhà thầu cung ứng.
Thời gian qua, việc cung ứng vắc xin cho trẻ em dưới 5 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nhiều địa phương bị gián đoạn. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Thời gian qua, việc cung ứng vắc xin cho trẻ em dưới 5 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nhiều địa phương bị gián đoạn. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế vừa ra thông báo hủy phát hành hồ sơ yêu cầu Gói thầu Cung cấp vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Viêm phổi/Viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được Bộ Y tế phê duyệt ngày 7/10/2024, Gói thầu có giá 82,227 tỷ đồng (bao gồm VAT) với 2,081 triệu liều, giá kế hoạch là 39.500 đồng/liều. Việc lựa chọn nhà thầu áp dụng theo hình thức đàm phán giá (thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá được phê duyệt tại Thông tư 05/2024/TT-BYT). Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị tiếp nhận số vắc xin trúng thầu.

Hồ sơ yêu cầu của Gói thầu được phát hành từ ngày 7 - 18/10/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu, không có nhà thầu nào nộp hồ sơ.

Đây không phải là lần đầu gói thầu mua sắm vắc xin TCMR gặp phải tình trạng khó khăn, ế ẩm như vậy. Tháng 10/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được giao tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua vắc xin DPT-VGB-Hib sử dụng cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp năm 2023 với 2,8 triệu liều (giá gói thầu 118,5 tỷ đồng) để cung cấp cho 63 tỉnh/thành phố trong cả nước. Gói thầu này cũng bị hủy thầu vì không lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu. Gói thầu dự kiến đóng thầu ngày 20/11/2023, nhưng đến thời điểm đóng thầu không có nhà thầu nào tham dự, nên được gia hạn tới ngày 27/11/2023. Sau khi gia hạn, Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ nhưng được đánh giá không đáp ứng yêu cầu.

Ngày 12/12/2023, chủ đầu tư phải hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại gói thầu trên với giá 110,6 tỷ đồng (giữ nguyên số liều vắc xin) sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp năm 2024. VABIOTECH tiếp tục là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu giữ nguyên giá gói thầu (đơn giá trúng thầu là 18.900 đồng/liều). Mặt hàng trúng thầu là vắc xin Diphtheria, Tetanus, Pertussis, Hepatitis B and Haemophilus Influenza type B conjugate vaccine adsorbed của Serum Institute of India Pvt. Ltd (Ấn Độ). Kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt ngày 2/2/2024. Hợp đồng được ký ngày 5/2/2024. Như vậy, tổng thời gian để lựa chọn được nhà thầu lên tới 5 tháng.

Năm 2022, Gói thầu Mua 2,5 triệu liều vắc xin DPT-VGB-Hib sử dụng trong Chương trình TCMR (85 tỷ đồng) phải hủy thầu vào cuối tháng 12/2022 vì tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Trong khi việc mua sắm vắc xin TCMR không thuận lợi, thì cử tri tại nhiều địa phương đang rất lo lắng vì tình trạng thiếu vắc xin kéo dài. Cụ thể, ngay trước thềm Kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Quảng Trị phản ánh, thời gian qua, việc cung ứng vắc xin cho trẻ em dưới 5 tuổi trong Chương trình TCMR ở địa phương bị gián đoạn, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng trên địa bàn toàn Tỉnh thấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một số bệnh nguy hiểm ở trẻ. Do vậy, cử tri kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu sớm bố trí, phân bổ vắc xin trong Chương trình cho trẻ em dưới 5 tuổi nhằm bảo vệ trẻ em, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trong thời gian gián đoạn nguồn cung ứng từ Chương trình TCMR, nhiều địa phương, cơ sở y tế đã chủ động mua sắm vắc xin tiêm dịch vụ. Đơn cử, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu chỉ định nhà thầu Công ty CP Vắc xin và Sinh phẩm Nam Hưng Việt thực hiện Gói thầu mua Vắc xin Viêm gan B để triển khai dịch vụ tiêm chủng, có đơn giá 45.045 đồng/lọ.

Bệnh viện E chỉ định Công ty CP Y tế Đức Minh thực hiện Gói thầu Mua thuốc generic gồm 1 phần thuộc Dự toán Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp vắc xin phòng Viêm gan B năm 2023… Tuy nhiên, các vắc xin này được tiêm theo hình thức dịch vụ, tức là phải trả tiền mới được dùng.

Nhiều phụ huynh phải đưa con em đi tiêm vắc xin dịch vụ do thiếu vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh minh họa: Duy Tính
Nhiều phụ huynh phải đưa con em đi tiêm vắc xin dịch vụ do thiếu vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh minh họa: Duy Tính

Tại phiên họp giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV mới đây, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho biết, theo phản ánh của các đoàn đại biểu Quốc hội, tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình TCMR vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhiều phụ huynh phải đưa con em đi tiêm vắc xin dịch vụ bên ngoài, ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với Chương trình TCMR. Mặc dù Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 13/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng) và Kế hoạch TCMR của năm 2024, năm 2025… nhưng vẫn quá chậm; kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2024 có 8/11 loại vắc xin TCMR chưa đạt kế hoạch...

Trả lời kiến nghị của các cử tri, Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Nghị định số 13/2024/NĐ-CP, Bộ Y tế đã hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh/thành phố và tổng hợp nhu cầu vắc xin trên cả nước; hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vắc xin sản xuất trong nước; tiếp nhận khoảng 24,2 triệu liều vắc xin các loại từ nguồn thu mua và viện trợ; đã phân bổ 21,4 triệu liệu liều theo kế hoạch cho các địa phương. Trong tháng 6 và tháng 7/2024, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch TCMR năm 2024 và năm 2025 hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng để bảo đảm việc cung ứng đầy đủ vắc xin.

“Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để bảo đảm cung ứng đủ vắc xin trong thời gian tới; đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng, tăng cường giám sát, phát hiện dịch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng bệnh khoanh vùng, không để bệnh lây lan”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cam kết trong văn bản phản hồi kiến nghị của cử tri các địa phương.

Chia sẻ quan điểm về tình trạng ế ẩm của các gói thầu mua vắc xin TCMR, chuyên gia y tế thuộc một số tổ chức quốc tế cho rằng, trước tiên cần xem xét lại giá kế hoạch đã phù hợp với thực tế hay chưa? Giá kế hoạch quá thấp có thể là nguyên nhân chính khiến cho các nhà thầu kém mặn mà, bởi họ không nhìn thấy lợi nhuận khi tham gia cuộc thầu.

Cũng theo ý kiến chuyên gia, không có thông tin nào nói rằng, có sự khan hiếm vắc xin 5 trong 1 trên toàn cầu. Đây là loại vắc xin phổ thông, được sử dụng thường xuyên trong Chương trình TCMR của các nước trên thế giới. Theo đó, khó khăn không nằm ở yếu tố nguồn cung loại hàng hóa này.

Một số quan điểm khác thì cho rằng, việc mua sắm tập trung cấp quốc gia thường đòi hỏi số lượng lớn nên ít nhà thầu có đủ năng lực đáp ứng. Do đó, gói thầu mua vắc xin nên được thiết kế vừa sức với các nhà thầu cung ứng hiện nay, để vừa bảo đảm có nhiều nhà thầu tham dự được, vừa có giá cả cạnh tranh.

Ngày 30/9/2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lựa chọn được nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua vắc xin Viêm gan B sử dụng trong TCMR năm 2024 (20,215 tỷ đồng). VABIOTECH là nhà thầu duy nhất tham dự và giá trúng thầu giữ nguyên giá gói thầu (đơn giá trúng thầu là 18.900 đồng/liều). Mặt hàng trúng thầu là vắc xin viêm gan B tái tổ hợp Gene-Hbvax. Về tiến độ giao hàng, VABIOTECH sẽ giao trước 400.000 liều trong thời gian 60 ngày sau khi hợp đồng có hiệu lực và giao tiếp 669.600 liều trước ngày 30/12/2024.

Chuyên đề