Nỗi đau hầu tòa vì tin vào sếp

(BĐT) - Ngay sau khi phiên tòa xét xử đại án OceanBank vừa kết thúc, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở tiếp phiên tòa xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm. 
Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Doãn Tấn
Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Doãn Tấn

Vụ án liên quan đến việc bán các căn hộ của Dự án B5 Cầu Diễn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng.

Thu 377 tỷ đồng của 726 khách hàng

2 vụ án diễn ra ở 2 lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế là ngân hàng và bất động sản. Hành vi vi phạm khác nhau, thiệt hại cũng khác nhau nhưng những người theo dõi liên tiếp 2 phiên tòa dễ dàng nhận thấy rất nhiều thuộc cấp, từ cấp quản lý đến nhân viên, đều trình bày rằng họ không biết, không vi phạm, chỉ nghe lệnh sếp và tin sếp nên bảo gì làm nấy. Hậu quả là nhiều người phải gánh chịu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án Châu Thị Thu Nga, Dự án B5 Cầu Diễn do Liên danh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (Công ty HAIC) và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) làm chủ đầu tư.

Quá trình thực hiện Dự án, liên danh này đã làm một số thủ tục và đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chủ đầu tư, giao lập quy hoạch điều chỉnh diện tích 22.099m2 (khu B5 Cầu Diễn) thuộc quy hoạch chi tiết Khu đô thị thành phố giao lưu. Theo quy hoạch khu đất đó gồm nhà CT5A, CT5B cao 9 tầng, nhà CT5C, CT5D cao 13 tầng, tổng số căn hộ là 328 căn, sử dụng vốn ngân sách.

Sau khi được UBND TP. Hà Nội giao, Liên danh đã lập và trình UBND Thành phố quy hoạch điều chỉnh chuyển đổi chức năng nhà ở tái định cư thành nhà tái định cư, nhà xã hội và nhà thương mại. Tuy nhiên, quy hoạch điều chỉnh này chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép xây dựng.

Thế nhưng, tháng 1/2009, Housing Group đã bắt đầu thu tiền mua căn hộ của khách hàng thông qua hình thức vay vốn kèm theo quyền lợi được mua căn hộ. Tổng cộng, Housing Group đã thu 377 tỷ đồng của 726 khách hàng thông qua 752 hợp đồng. 

Tin tưởng sếp bất chấp quy định pháp luật

Tại phiên tòa, các nhân sự cấp cao của Housing Group, vốn là những người có trình độ cử nhân trở lên, công tác ở vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như Kế toán trưởng, Phó Giám đốc công ty, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản... đã trần tình rằng toàn bộ đều nghe theo lời bị cáo Nga và tin tưởng vì bà Nga là đại biểu Quốc hội.

Bị cáo Nguyễn Trường Sơn, cựu Phó Tổng giám đốc trong giai đoạn 2010 - 2013 của Housing Group trần tình rằng, quá trình làm việc nhiều lần góp ý nhưng không được ghi nhận, tiếng nói của bị cáo không có trọng lượng, những người làm công ăn lương không được bàn bạc.

Theo vị Phó Tổng giám đốc này, Công ty là của bà Nga, thực chất vị trí của bị cáo là hình thức. “Bị cáo không có chuyên môn, thiếu hiểu biết, không được cung cấp thông tin, không biết thủ tục pháp lý dự án” – Nguyễn Trường Sơn khai.

Lời trình bày trước Hội đồng xét xử khiến nhiều người thấy khó tin. Một thành viên của Ban giám đốc trong Công ty bất động sản lại nói rằng không biết thủ tục pháp lý của Dự án. Khác với những giám đốc bù nhìn trong một số vụ án khác chỉ là những người không có trình độ, được thuê đứng tên làm giám đốc, bị cáo Sơn có nhiều năm làm việc ở cương vị quản lý, trước khi trở thành Phó Tổng giám đốc của Housing Group.

Một điều chung ở các nhân sự của Housing Group là sự tin tưởng vào năng lực, vị trí đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga. Bị cáo Sơn khai rằng, bà Nga là người có chuyên môn, quan hệ rộng với các cơ quan chức năng, là đại biểu Quốc hội.

Bị cáo Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Sàn giao dịch Housing Group khai rằng, bà Nga làm hồ sơ đứng tên bị cáo là Giám đốc sàn giao dịch. Quá trình làm việc, bị cáo “làm chỉ dựa vào sự tin tưởng của một vị đại biểu Quốc hội và bà Nga chỉ đạo toàn bộ từ cái nhỏ nhất”.

Bị cáo Đinh Phúc Tiếu, nguyên Kế toán trưởng và sau đó là Phó Tổng giám đốc Housing Group giãi bày rằng: Bị cáo từng là giảng viên kế toán Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố, bị cáo không thể lừa đảo ai. Thực sự bị cáo tin vào sự thành công của Dự án nên mới ký hợp đồng với khách hàng. Đáng nói là, bị cáo Tiếu biết rõ Dự án không có giấy phép nhưng tin tưởng vào bà Nga nên ký thay. Thậm chí, vợ và em của bị cáo cũng mua căn hộ ở đây từ năm 2011 để vừa ở, vừa đầu tư.

Hậu quả của việc tin tưởng vào sếp bất chấp những thực tế và quy định pháp lý là 9 cá nhân vốn là cán bộ quản lý của Housing Group phải hầu tòa và đối mặt với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chuyên đề