Hàng hóa sản xuất trong nước và đội ngũ kỹ sư, người lao động Việt Nam đã ghi danh trong nhiều gói thầu quốc tế. Ảnh: Lê Toàn |
Hàng Việt, nhà thầu Việt thuyết phục nhà tài trợ
Năm 2016, Ban Quản lý dự án xây dựng Đại học Việt Đức công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu CP1A Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung, san nền, đường giao thông, nhà vận hành kỹ thuật thuộc Dự án Xây dựng Trường Đại học Việt Đức. Gói thầu có sự tham gia của 13 nhà thầu. Trong số các nhà thầu dự thầu, có nhiều nhà thầu “tên tuổi” như Công ty CP Licogi 16, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 1, Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng… Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - Công ty CP Sáng Ban Mai với giá trị hợp đồng là trên 211 tỷ đồng.
Theo Công ty CP Sáng Ban Mai, sáng 4/1/2019, Tổ máy phát điện SBMPOWER 2500 KVA đã được giao đến công trình. Theo đại diện Nhà thầu, vượt qua nhiều nhãn hiệu máy phát điện quốc tế, SBMPOWER đã được Chủ đầu tư, nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Đức) lựa chọn. Trước đó, Tổ máy phát điện 2500 KVA đã được thử nghiệm theo tiêu chuẩn BS8528, đạt công suất thiết kế và yêu cầu kỹ thuật dưới sự chứng kiến của Chủ đầu tư, tư vấn giám sát quốc tế. Thiết bị có tổng tải trọng 15 tấn này hoàn toàn được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam do một nhà thầu Việt đảm nhận trong năm 2018.
Cũng tại Dự án Xây dựng Trường Đại học Việt Đức, các hợp đồng xây dựng nhà học số 1, 2, 3, 4, 5, 6 và mái che lối đi bộ, bao gồm 02 lô: Lô số 1 Xây dựng Nhà học số 1, 2, 3 và Lô số 2 Xây dựng Nhà học số 5, 6 và mái che lối đi bộ được tổ chức theo hình thức đấu thầu quốc tế. Giá gói thầu là 517.353.742.000 đồng (đã bao gồm thuế và dự phòng phí). Cụ thể, Lô số 1 trị giá 267.021.555.000 đồng, Lô số 2 là 250.332.187.000 đồng. Tại Lô số 1, Tổng công ty Xây dựng số 1 đã được đề nghị trúng thầu, với giá 265.754.758.541 đồng. Tại Lô số 2, nhà thầu được đề nghị trao hợp đồng là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Gói thầu VGU Xây dựng nhà hội trường, giảng đường, thư viện, cổng khánh tiết và mái che lối đi bộ có giá 442.378.630.030 đồng (bao gồm thuế và dự phòng phí) cũng được tổ chức đấu thầu quốc tế và liên danh Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty CP Xây dựng công trình An Gia Phát được đề nghị trúng thầu với giá 391.253.756.957 đồng.
Đến câu chuyện của HECII
Những ngày đầu năm 2019, niềm vui lớn đến với Công ty CP Tư vấn Xây dựng thủy lợi II (HECII) khi Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 công bố KQLCNT Gói thầu TV1-JICA3 Khảo sát, thiết kế và giám sát thực hiện dự án thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre. Đây là gói thầu được tổ chức tuyển chọn trên cơ sở chất lượng và chi phí (QCBS) quốc tế. Giá gói thầu là 418.294.276.186 đồng, giá trúng thầu của Liên danh Sanyu Consultants Inc. (Nhật Bản) - CTI Engineering International Co., Ltd. (Nhật Bản) - NewJec Inc. (Nhật Bản) - Công ty CP Tư vấn Xây dựng thủy lợi II (Việt Nam) là 332.730.553.054 đồng. Gói thầu sẽ được thực hiện trong thời gian 73 tháng.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện duy nhất của Việt Nam trong Liên danh trúng thầu – HECII cho biết, rất tự hào vì vượt qua nhiều đối thủ để có thể kề vai với các nhà thầu uy tín đến từ Nhật Bản trúng gói thầu này. “Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu trong nhiều năm để tham gia những gói thầu quy mô phức tạp này. Cơ hội làm việc với các nhà thầu quốc tế, đặc biệt là nhà thầu Nhật Bản, sẽ là dịp để chúng tôi trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm cho mình”, đại diện HECII nói.
Cả hai nhà thầu Sáng Ban Mai và HECII đều được đánh giá là đấu bằng năng lực, thường xuyên dự thầu với giá rất cạnh tranh. Theo đó, giá trúng thầu của cả hai nhà thầu này có tỷ lệ giảm giá lớn. Tuy vậy, cả hai nhà thầu đều từng chia sẻ nhiều bức xúc với việc lựa chọn nhà thầu của nhiều gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước trong nước thời gian qua với Báo Đấu thầu.
Cụ thể, với Nhà thầu Sáng Ban Mai, sản phẩm máy phát điện của nhà thầu này đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường, trúng thầu các gói thầu lớn của doanh nghiệp FDI nhưng lại bị gạt ra rìa tại những gói thầu trang bị máy phát điện quy mô tầm trung cho các đơn vị trong nước. “Tất cả những gói thầu chúng tôi bị loại đều do tâm lý sính ngoại của các chủ đầu tư, thích mua giá cao, đôi khi bất chấp nguồn gốc thực sự của hàng hóa”, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai chia sẻ.
“Đường dài biết sức ngựa”, những gói thầu thực sự được mời bởi những bên mời thầu muốn lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cũng như tiết kiệm cho ngân sách nhà nước sẽ vẫn là đất dụng võ cho các nhà thầu Việt có thực lực cũng như hàng Việt có chất lượng tốt.