Những cú knock out chực chờ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Câu chuyện vừa đặt bút ký hợp đồng, chưa thi công đã xác định… lỗ không phải hiếm trong giới nhà thầu xây lắp. Định mức, đơn giá chậm điều chỉnh cũng đang trực tiếp cản trở nỗ lực vươn mình của chính các nhà thầu, nhà đầu tư.
Công nhân Tập đoàn Sơn Hải thi công dải phân cách giữa cao tốc bằng thiết bị tự động. Ảnh: Nhã Chi
Công nhân Tập đoàn Sơn Hải thi công dải phân cách giữa cao tốc bằng thiết bị tự động. Ảnh: Nhã Chi

Đơn giá dưới đất, thực tế trên trời

Những ngày đầu tháng 3/2024, một nhà thầu xây dựng ở TP. Pleiku (Gia Lai) cho biết đang rất vất vả để đi tìm nhân công cho công trình mới được công bố trúng thầu. “Đơn giá Sở Xây dựng công bố, giá thợ 1 ngày là 250.000 đồng. Thực tế, chúng tôi tìm mỏi mắt và đưa giá 350.000 đồng/ngày mà thợ vẫn chê, đòi 370.000 - 380.000 đồng/ngày. Đây chỉ là đơn giá của vị trí thợ phụ thôi”, đại diện Nhà thầu chia sẻ.

Tại Cần Thơ, đơn giá nhân công thợ phụ được Sở Xây dựng công bố hiện chỉ ở mức 200.000 - 250.000 đồng/ngày. “Tuy nhiên, với mức giá này thì không ai nhận làm. Chúng tôi phải trả 300.000 - 350.000 đồng/ngày cho thợ phụ, thợ chính là 400.000 - 450.000 đồng/ngày. Dịp tăng ca, lễ tết còn phải trả cao hơn”, đại diện một nhà thầu thông tin.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Ngọc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vinaconex25, giá vật liệu xây dựng, nhân công, vận tải liên tục tăng trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Do đó, với các gói thầu được ký từ cuối năm 2019 đến 2022, đặc biệt là loại hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, tất cả nhà thầu đều phải bù lỗ rất nặng, gồng gánh duy trì công việc.

Trong khi đó, theo thông báo công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM tháng 2/2024, nhiều loại vật liệu bị bỏ trắng thông tin giá do không có đơn vị tham gia công bố giá. Có thể kể đến nhóm thép xây dựng, nhóm coffa, bê tông thương phẩm, trụ đèn, vải địa kỹ thuật, rọ đá, sơn bột bả các loại, tấm thạch cao, ống nhựa, kính xây dựng… Công bố này cũng cho biết, Sở Xây dựng chưa nhận được báo cáo tình hình giá vật liệu xây dựng của UBND TP. Thủ Đức, Quận 5, Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. Đây không phải trường hợp cá biệt, vì nhiều nhà thầu cho biết, việc công bố không đầy đủ đơn giá, định mức, giá vật liệu xây dựng ở các địa phương khá… phổ biến. Điều này dẫn tới khi xây dựng đơn giá, các chủ đầu tư thường phải sử dụng các công bố từ trước đó, dẫn tới lạc hậu rất xa so với giá thị trường.

Bên cạnh đó, chi phí của nhà thầu phát sinh không chỉ liên quan đến đơn giá, định mức. Theo ông Võ Chí Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu, đổ thải phát sinh rất lớn. “Dự án triển khai trong thành phố, muốn vận chuyển đổ thải, nhà thầu phải ấn định thời gian theo khung giờ từ sau 12h đêm đến trước 4h sáng. Để trả nhân công theo khung giờ này, không có đơn giá định mức nào theo sát được”, ông Hải cho biết.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với nhà thầu thi công dự án giao thông, dân dụng. “Khi ký hợp đồng thi công, chủ đầu tư xác định mỏ đất đắp trong phạm vi 10 km. Nhưng nhà thầu đi khảo sát, tìm mỏ để ký hợp đồng thì chỉ còn những vị trí cách công trường 50 km, thậm chí 60 - 70 km. Chi phí đất đắp cũng vì thế đội lên gấp rưỡi, từ chỉ 80.000 - 90.000 đồng/m3 đã vọt lên 150.000 đồng/m3 ngay khi hợp đồng chưa ráo mực”, ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - Chi nhánh miền Trung chia sẻ.

Những định mức phi thị trường

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, định mức về ca máy trong xây dựng hiện đang chủ yếu áp dụng từ thời điểm 2006, 2007, tức đã hơn 15 năm. Điều này đang trở thành rào cản rất lớn không chỉ với đội ngũ nhà thầu xây dựng tầm trung, mà còn khiến chính các nhà thầu, nhà đầu tư mạnh chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết.

Thời gian qua, một số dự án, công trình còn thiếu định mức hoặc định mức ban hành chưa phù hợp, nhất là đối với công trình xây dựng sử dụng công nghệ, vật liệu mới. Đặc biệt, trong lĩnh vực công trình giao thông đường bộ, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 32 hạng mục xây dựng thiếu định mức ban hành (công trình cầu dây văng, đắp nền đường bằng các vật liệu mới).

Theo ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hải, nhà đầu tư Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, định mức đơn giá trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đang có 2 bất cập chính. Đầu tiên là đối với các công trình cấp I, trọng điểm, nguyên vật liệu đầu vào luôn phải đạt chuẩn cao nhất với giá thành cao. Tuy nhiên, khâu thu thập giá của các địa phương chưa phân loại đúng và dường như đều đang xếp vào cùng 1 loại phổ thông. Thứ hai, với nhà thầu, nhà đầu tư thi công tại dự án cao tốc, việc đầu tư dàn thiết bị hiện đại, tân tiến nhất (chủ yếu là nhập khẩu) với chi phí đắt đỏ để tăng năng suất, chất lượng là tất yếu. Tuy nhiên, định mức cũng như đơn giá cho các chủng loại thiết bị này lại chưa được cập nhật, tính toán phù hợp để cân đối cho nhà đầu tư. “Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước khoảng 2.967 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (thuộc Tập đoàn Sơn Hải) là doanh nghiệp dự án. Nhờ mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại, Nhà đầu tư đã đưa công trình về đích trước hạn 3 tháng. Nhiều hạng mục, chi phí bỏ ra cao hơn định mức quy định của Nhà nước rất nhiều để bảo đảm công trình hoàn hảo nhất, giúp nhà đầu tư tự tin với công trình bảo hành từ 5 - 10 năm. Cân đối được các chi phí ngoài định mức này là do nhà đầu tư tiết kiệm được nhân công, thời gian thi công bằng công suất. Nếu không, càng đầu tư càng lỗ nặng”, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết.

Cũng từ góc độ nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, thời gian qua, một số dự án, công trình còn thiếu định mức hoặc định mức ban hành chưa phù hợp, nhất là đối với công trình xây dựng sử dụng công nghệ, vật liệu mới. Đặc biệt, trong lĩnh vực công trình giao thông đường bộ, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 32 hạng mục xây dựng thiếu định mức ban hành (công trình cầu dây văng, đắp nền đường bằng các vật liệu mới). Nhiều hạng mục xây dựng đã ban hành định mức nhưng không theo kịp yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công hiện tại…

“Khi triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chúng tôi thực hiện theo hợp đồng PPP, đã trải qua rất nhiều khó khăn liên quan đến đơn giá, định mức. Dự án thi công trong giai đoạn giá nguyên vật liệu biến động chóng mặt, tăng liên tục trong thời gian dài khiến nhiều thời điểm Nhà đầu tư cùng với các đơn vị thi công tưởng chừng như gục ngã. Nếu không có sự đồng lòng, thấu hiểu, cùng chia sẻ khó khăn giữa các nhà thầu và nhà đầu tư, thực sự rất khó để đưa Dự án về đích”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.

Ghi nhận tại nhiều dự án thực tế cho thấy, để duy trì sức khỏe của nhà đầu tư, nhà thầu, rất cần có những quyết sách lâu dài, bền vững về đơn giá, định mức phù hợp, khoa học và sát với diễn biến thị trường.

Chuyên đề