Toàn bộ các dự án đường ven biển được các địa phương triển khai từ cuối năm 2021 đến nay đều áp dụng đấu thầu qua mạng để lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Thanh Quân |
Dấu mốc quan trọng đối với công tác ĐTQM là tháng 12/2020, Gói thầu số 1 XL-HB Thi công xây lắp công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng công bố lựa chọn được đơn vị trúng thầu. Gói thầu có giá trị hơn 3.108 tỷ đồng là gói thầu xây lắp có giá trị lớn nhất đến thời điểm đó được tổ chức ĐTQM thành công. Tên tuổi các nhà thầu gắn liền với dấu mốc này là Liên danh Công ty CP Xây dựng 47 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Lilama 10.
Nối tiếp thành công này, tháng 4/2021, Gói thầu số 37 (XL05) Thi công xây lắp công trình thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng do Ban Quản lý dự án điện 2 - Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam mời thầu hoàn tất lựa chọn nhà thầu qua mạng. Gói thầu này có giá 2.367,796 tỷ đồng, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Tổng công ty Sông Đà - Công ty CP Lilama10 trúng thầu với giá 2.365,45 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bên mời thầu, dù Gói thầu có giá trị rất lớn, hồ sơ mời thầu (HSMT) phức tạp, nhưng do đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, quá trình tổ chức ĐTQM của Gói thầu khá trơn tru, thuận lợi, lựa chọn được đơn vị có thực lực. Có thể nói, những gói thầu “mở hàng” này có sức lan tỏa rất lớn đối với những người làm công tác đấu thầu trên cả nước.
Các gói thầu xây lắp lớn thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 đều lựa chọn nhà thầu qua mạng và đang trong quá trình thi công. Ảnh: Thành Nhân |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2021, EVN có tổng cộng 16.068 gói thầu thực hiện đấu thầu thành công qua mạng với tổng giá trị trúng thầu khoảng 59.498 tỷ đồng. Nhiều gói thầu giá trị lớn, tính chất phức tạp đã được EVN nỗ lực tìm giải pháp để ĐTQM thành công.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 6/12/2022 đối với Ban là một ngày đáng nhớ vì đây là thời điểm mở thầu thành công Gói thầu số 09 Xây lắp phần cầu, nút giao, hệ thống chiếu sáng; thiết kế bản vẽ thi công; đảm bảo an toàn giao thông; bảo hiểm xây lắp công trình cầu vượt Sông Hương thuộc Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gói thầu có giá trị 1.516,312 tỷ đồng này được xem là gói thầu có quy mô lớn nhất của địa phương được ĐTQM. “Bên mời thầu tự tin với khâu chuẩn bị từ nhân sự, hạ tầng đến công tác lập HSMT chuẩn mực để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tham dự. Thực tế, trong suốt thời gian phát hành HSMT không phát sinh bất kỳ yêu cầu làm rõ nào từ phía nhà thầu”, vị đại diện này cho biết.
Liên danh trúng gói thầu trên là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại xuất nhập khẩu Việt Anh - Công ty CP Đường bộ 1 với giá trúng thầu 1.495,019 tỷ đồng, thời gian thi công 1.095 ngày.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, Dự án đã giải ngân được xấp xỉ 560 tỷ đồng, riêng năm 2023 giải ngân đạt 455 tỷ đồng, bằng 69% nguồn vốn được bố trí (660 tỷ đồng). Thông qua ĐTQM, Bên mời thầu đã lựa chọn được đơn vị thi công làm chủ tiến độ, hiện công tác thi công đã hoàn thành một số hạng mục như cọc khoan nhồi, cọc đất gia cố xi măng, trụ P2, mố A1…
Gói thầu số 1 XL-HB Thi công xây lắp công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng có giá trị hơn 3.108 tỷ đồng được đấu thầu qua mạng thành công tháng 12/2020. Ảnh: Dương Giang |
Một điều thú vị là toàn bộ các dự án đường ven biển được các địa phương triển khai từ cuối năm 2021 đến nay đều áp dụng ĐTQM để lựa chọn đơn vị thi công. Có thể kể đến 2 gói thầu xây lắp với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng thuộc Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 - Km76; các gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng). Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Bình Thuận… đều công bố các dự án xây dựng đường ven biển quyết liệt triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông vận tải) cho biết, việc áp dụng ĐTQM đối với các dự án giao thông trọng điểm hiện nay là một nhiệm vụ đối với Ban. Đặc biệt, với việc nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tăng dung lượng các file HSMT, hồ sơ dự thầu, công tác ĐTQM tại các dự án trọng điểm quốc gia có nhiều thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả.
Tại bên mời thầu này, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ các gói thầu xây lắp lớn như: Gói thầu XL-03 Xây dựng nhịp dẫn và đường đầu cầu Rạch Miễu 2 (Km5+080 - Km5+913 và Km6+423 - Km7+260) giá trị 581,478 tỷ đồng; Gói thầu XL-02 Xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913 - Km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) và đảm bảo an toàn giao thông thủy cầu Rạch Miễu 2 (1.270,296 tỷ đồng); Gói thầu XL-05 Xây dựng đoạn tuyến từ Km8+281 - Km12+900 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá trị 468,398 tỷ đồng; Gói thầu XL-01 Xây dựng đoạn tuyến từ Km0+000 - Km5+080 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá trị 468,398 tỷ đồng…
Trong khi đó, tại TP.HCM - địa phương có nguồn vốn đầu tư công lớn, công tác ĐTQM có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong 2 năm 2022 - 2023. Theo đó, hàng loạt dự án trọng điểm, có tính cấp bách của Thành phố như: Vành đai 3, nâng cấp Quốc lộ 50, nút giao An Phú, đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa… quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng đều được ĐTQM.
Gói thầu số 09 thuộc Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế được đấu thầu qua mạng, đến nay đã hoàn thành nhiều hạng mục. Ảnh: CTV |
Chỉ tính riêng Dự án thành phần 1 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu qua mạng loạt gói thầu “khủng” như: Gói thầu XL6 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi (từ Km52+580 đến Km58+647) giá trị 2.273,229 tỷ đồng; Gói thầu XL3 đoạn qua TP. Thủ Đức (từ Km17+500 đến Km20+550) giá trị 2.343,306 tỷ đồng; Gói thầu XL8 đoạn qua huyện Hóc Môn (từ Km62+700 đến Km69+978) giá trị 1.521,65 tỷ đồng; Gói thầu XL9 đoạn qua huyện Bình Chánh (từ Km69+978 đến Km78+100) giá trị 2.029,958 tỷ đồng…
Thông tin với phóng viên, đại diện một số chủ đầu tư, bên mời thầu tại TP.HCM cho biết, các thao tác trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thuận tiện, nhanh chóng, không gặp trở ngại nào. Đặc biệt, ĐTQM giúp tiết kiệm nhiều chi phí, nhân sự, thời gian.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong nhiều cuộc làm việc luôn chỉ đạo các chủ đầu tư cần quyết liệt áp dụng ĐTQM để đảm bảo đúng lộ trình đề ra. Người đứng đầu Thành phố cho biết, việc thúc đẩy áp dụng ĐTQM thông qua nhiều giải pháp như tăng cường nhân sự chuyên trách có năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ giải quyết các tình huống phát sinh; đề xuất biện pháp xử lý đối với trường hợp cơ quan, đơn vị không đạt tỷ lệ ĐTQM hàng năm.