Nhọc nhằn cổ đông kiện đòi cổ tức

(BĐT) - Chuyện nợ cổ tức không phải là hiếm. Nhưng không phải cổ đông nào cũng quyết liệt theo kiện đòi cổ tức nhiều năm như trường hợp ông Đồng Xuân Thép, cổ đông Công ty CP Xây dựng 204.
Công ty CP Xây dựng 204 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đồng Xuân Thép vì cho rằng việc trả cổ tức cho các cổ đông đều tiến hành sau khi Đại hội đồng cổ đông hoàn tất. Ảnh: NC st
Công ty CP Xây dựng 204 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đồng Xuân Thép vì cho rằng việc trả cổ tức cho các cổ đông đều tiến hành sau khi Đại hội đồng cổ đông hoàn tất. Ảnh: NC st

Cổ đông đòi được trả cổ tức số tiền 85,6 triệu đồng

Ngày 7/6 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ kiện đòi cổ tức giữa ông Đồng Xuân Thép (sinh năm 1958, ở Hải Phòng) và Công ty CP Xây dựng 204.

Theo bản án sơ thẩm, ông Đồng Xuân Thép là cổ đông của Công ty 204, sở hữu 36.746 cổ phần (CP), mệnh giá 10.100 đồng/CP và 10.129 đồng/CP. Tổng giá trị CP là 371,7 triệu đồng. Trong đó, CP mua công khai là 161,6 triệu đồng loại giá 10.100 đồng/CP và CP mua ưu đãi là 210,1 triệu đồng loại giá 10.129 đồng/CP.

Trong quá khứ, Công ty 204 đã nhiều lần không trả cổ tức cho ông Thép từ năm 2008 đến năm 2011. Do đó, ông Thép đã từng khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty 204 phải trả cổ tức. Các bản án đều tuyên buộc Công ty 204 phải hoàn trả ông Thép số tiền cổ tức của các năm trên.

Đến năm 2012 và 2013, Công ty 204 vẫn cố tình không trả số tiền cổ tức cho ông Thép. Ông Thép tiếp tục khởi kiện lên Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng đòi tiền cổ tức năm 2012 là 37,1 triệu đồng; lãi chậm trả (từ ngày 15/6/2013 đến ngày 1/10/2014) là 9,1 triệu đồng; tiền cổ tức năm 2013 là 37,1 triệu đồng và lãi chậm trả (từ ngày 15/6/2014 đến ngày 1/10/2014) là 2 triệu đồng.

Tổng cộng số tiền ông Thép yêu cầu Công ty 204 trả cổ tức cho ông năm 2012 và 2013 là 85,6 triệu đồng. Nguyên đơn cũng đề nghị Công ty 204 chấp nhận việc ông được bán số CP trên. Trường hợp Công ty không mua thì ông Thép sẽ bán cho người khác.

Công ty 204 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thép. Công ty cho rằng, việc trả cổ tức cho các cổ đông phổ thông đều tiến hành sau khi Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên hoàn tất. Trên cơ sở đó, HĐQT đã lập danh sách cổ đông và chi trả cổ tức.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2013, 2014, trước khi thanh toán cổ tức, những cổ đông là người lao động của Công ty 2014 phải đối chiếu công nợ. Vì là người lao động, nên ông Thép phải đến Phòng Tài chính - Kế toán đối trừ công nợ để làm cơ sở thanh toán trước khi nhận cổ tức năm 2012, 2013.

Trong khi đó, ông Đồng Xuân Thép đang bị Công ty 204 kiện đòi hơn 5 tỷ đồng. Bản án kinh doanh sơ thẩm ngày 22/7/2013 đã tuyên buộc ông Thép phải trả Công ty 5,8 tỷ đồng. Nhưng sau đó bản án bị kháng cáo. Đến thời điểm vụ án kiện đòi cổ tức đưa ra xét xử sơ thẩm thì Tòa án nhân dân tối cao đang xem xét giải quyết và chưa đưa ra xét xử đối với vụ án Công ty 204 đòi nợ ông Thép. Do đó, Công ty 204 đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông Thép, tạm dừng giải quyết vụ án đến khi Tòa án nhân dân tối cao giải quyết xong vụ tranh chấp số tiền 5,8 tỷ đồng. 

Cổ đông được quyền chuyển nhượng cổ phần

Bản án sơ thẩm cho rằng, căn cứ cổ phiếu ghi danh có chữ ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và dấu của Công ty 204 thì ông Đồng Xuân Thép là cổ đông hợp pháp và có đầy đủ các quyền của cổ đông, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Là cổ đông phổ thông, ông Thép có quyền nhận cổ tức theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.

Tuy Công ty 204 nêu vấn đề tranh chấp công nợ nhưng vụ kiện này chưa có bản án có hiệu lực pháp luật nên không thể khẳng định ông Thép còn nợ tiền Công ty phải đối trừ. Viện dẫn của Công ty 204 là không có căn cứ và cơ sở để chấp nhận.

Đối với yêu cầu đòi tiền lãi chậm trả cổ tức của ông Thép, Tòa án áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (trên cơ sở lãi suất nợ quá hạn của Vietcombank, Agribank và VietinBank) tương ứng với thời gian chậm trả. Tổng số tiền cổ tức và tiền lãi được tính lại là 88,4 triệu đồng. Công ty 204 có trách nhiệm phải trả khoản tiền này cho ông Thép.

Đối với yêu cầu chuyển nhượng CP, Bản án sơ thẩm cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty, ông Thép được quyền chuyển nhượng CP theo nguyên tắc là ưu tiên quyền mua cho các cổ đông hiện hữu, người lao động trong Công ty. Sau 10 ngày rao bán cổ phiếu, nếu cổ đông, người lao động không mua mới được chuyển nhượng ra bên ngoài.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư