Nhiều sai phạm trong quản lý đầu tư, mua sắm tại VEAM

(BĐT) - Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy nhiều sai phạm, đặc biệt trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm.
Ngoài mảng kinh doanh cốt lõi không hiệu quả, VEAM còn vướng nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Quang Tuấn
Ngoài mảng kinh doanh cốt lõi không hiệu quả, VEAM còn vướng nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Quang Tuấn

Kết luận nêu rõ, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda….) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Đó là sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Cụ thể, công tác đầu tư dự án xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, công tác quản lý dự án các công trình xây dựng tại VEAM và các đơn vị không đúng quy định về quản lý hồ sơ, tiến độ, chất lượng và thanh quyết toán. Hồ sơ lưu trữ không đầy đủ như tại Dự án Phòng thí nghiệm động lực; Dự án Đầu tư trung tâm chế tạo khuôn mẫu chất lượng cao; Dự án Bổ sung thay thế nâng cao năng lực sản xuất… Vì thiếu hồ sơ dẫn đến không đủ điều kiện thanh toán Gói thầu số 3 thuộc Dự án Phòng thí nghiệm động lực tại VEAM trị giá 374 triệu đồng; một số gói thầu tại Viện Công nghệ trị giá 504 triệu đồng; một số dự án tại VEAM có giá trị 37 tỷ đồng… Một số gói thầu khác thiếu dự toán, bản vẽ hoàn công.

Công tác mua sắm trang thiết bị tại một số dự án đầu tư không hiệu quả như: Dự án Hạng mục đầu tư mới dây chuyền trị giá 6,13 tỷ đồng phục vụ vận hành sản xuất Nhà máy Ô tô VEAM Thanh Hóa năm 2012; Dự án Đầu tư bổ sung thiết bị phục vụ sản xuất xe Hyundai giá trị 26,059 tỷ đồng; Dự án Đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung gây thiệt hại 69,050 tỷ đồng.

Bên cạnh sai phạm trong công tác quản lý dự án, mua sắm trang thiết bị, VEAM còn sai phạm trong công tác sử dụng vốn, tài sản, công nợ. Chẳng hạn, về quản lý sử dụng tài sản, VEAM lưu trữ không đầy đủ các tài liệu liên quan đến quản lý tài sản, vốn đầu tư. Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Ô tô VEAM thiếu hồ sơ điều chuyển tài sản. Công tác kiểm kê tài sản không đầy đủ, chưa chính xác; ghi tài sản nhưng không kiểm kê; tính và trích khấu hao tài sản không đúng quy định; tiến hành mua xe nhưng không thực hiện đấu thầu theo quy định…

Về quản lý sử dụng đất, VEAM quản lý không đúng quy định tại một số khu đất dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản.

Trong công tác quản lý vốn vay, vốn hỗ trợ, tiền gửi và công nợ cũng bộc lộ sai phạm. Điển hình, VEAM cho các đơn vị thành viên vay tính tiền lãi suất trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Một số đơn vị VEAM cho vay lãi suất ưu đãi nhưng kinh doanh không hiệu quả, khả năng thu hồi vốn khó khăn. Hơn nữa, việc cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc, giảm lãi, miễn lãi của VEAM không quy định cụ thể bằng văn bản. Một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy ghi nhận nợ…

Bộ Công Thương yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung tại Kết luận thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1042/BCT-TCCB chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế. Hiện Bộ Công an đang thực hiện việc điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.

Chuyên đề